ĐÔ THỊ ĐẠI HỌC
URBAN UNIVERSITY
TH.S. KTS: HUỲNH THỊ HỒNG THÚY
Khoa Kiến trúc, Trường ĐHXD Miền Tây
Điện thoại: 0989756769
Email: huynhthihongthuy@mtu.edu.vn
Tóm tắt
Đô thị đại học là một mô hình phát triển cao của nền giáo dục tại một số quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện các đô thị đại học như Làng đại học Thủ Đức, đô thị đại học Võ Trường Toản… Bằng cách khảo sát, so sánh một vài đô thị đại học trên thế giới như Đại học Harvard, Đại học Oxford, Đại học Tsukuba … hay các dự án đô thị đại học trong nước như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - Bài viết trình bày về quá trình hình thành cũng như định hướng phát triển của các đô thị đại học nói trên, và một số kinh nghiệm khi xây dựng một đô thị đại học mới. Tại Việt Nam, việc lựa chọn phát triển đô thị đại học có thể là một mô hình rất tốt tạo ra một cách làm mới, phát huy các thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực riêng của từng trường đại học thành viên. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch đô thị đại học cần chính xác về qui mô dân cư, độ lớn và vị trí của khu đại học; Đưa ra một quy hoạch phát triển toàn diện và dài hạn chứ không phải là lập một kế hoạch hành động ngắn hạn cho một khu dân cư đó.
Từ khóa: Đô thị đại học.
Abstract
Urban university is a highly developed model of education in some countries around the world. In Vietnam, there are also emerging university towns such as Thu Duc University Village, Vo Truong Toan University Urban Area ... By surveying and comparing several universities in the world such as Harvard University, Oxford University, Tsukuba University... or domestic university projects such as Hanoi National University, Danang University, and Ho Chi Minh City National University - The article presents the formation process as well as the development orientation of the above-mentioned university cities, and some experience when building a new university town. In Vietnam, the choice of university urban development can be a very good model to create a new way of promoting strengths and effectively using the resources of each university. learn members. However, university urban planning needs to be accurate in terms of population size, size and location of the university campus; Provide a comprehensive and long-term development plan, not a short-term.
Keywords: Urban University
Đặt vấn đề
Theo "Đại từ điển giáo dục" của Trung Quốc xuất bản năm 1992 của Nhà xuất bản giáo dục Thượng Hải, “Đô thị đại học” được định nghĩa là một cộng đồng hoàn chỉnh xung quanh trường đại học, với qui mô dân cư khoảng từ 5 đến 10 vạn người, đảm bảo một môi trường học tập - nghiên cứu tốt cho sinh viên, có chỗ ăn ở, giao thông đi lại thuận tiện, và các điều kiện sinh hoạt tối thiểu khác. Chẳng hạn như các khu đô thị đại học Bologna của Ý, Cambridge và Oxford của Vương quốc Anh, v.v...
Hiện nay, có nhiều khái niệm tương tự đô thị đại học được sử dụng như: “Thành phố khoa học”, “Thành phố sinh viên”, khu đại học, cộng đồng đại học… Đô thị đại học trước tiên là một đô thị; có đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật như: các công trình đường sá, cầu cống, các trạm cấp điện, trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải... cũng như các công trình hạ tầng xã hội như: bệnh viện, bưu điện, công viên, nhà thi đấu, sân vận động… Có các công trình phục vụ mục đích nghiên cứu giáo dục như: cụm giảng đường hiện đại; khu nghiên cứu khoa học; thư viện, ký túc xá sinh viên và khu nhà ở cho giảng viên. Tất cả đều xoay quanh hạt nhân chính là các trường đại học nhằm tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho sự phát triển giáo dục đại học cả về quy mô lẫn chất lượng. Mục tiêu lớn nhất của đô thị đại học là tạo điều kiện, môi trường cho các trường đại học theo đúng nghĩa, không chỉ có mục tiêu đào tạo, mà còn phải đẩy mạnh nghiên cứu.
- Nội dung nghiên cứu
1.1. Một số đô thị đại học trên thế giới
Cách thức hình thành đô thị đại học nước ngoài chủ yếu chia làm hai loại:
- Thứ nhất: được hình thành tự nhiên như đô thị đại học tại Boston của Harvard và MIT (Mỹ), Oxford và Cambridge (Anh). Những khu vực này đều có quá trình phát triển hình thành tự nhiên qua hàng trăm năm.
- Thứ hai: được xậy dựng với quy mô tương đối hòan chỉnh ngay từ đầu.
1.1.1. Đại học Harvard (Mỹ)
- Trường Harvard được thành lập năm 1636. Harvard ban đầu là một khu vực trường nhỏ, với những ngôi nhà độc lập. Mỗi ngôi nhà đều có một khuôn viên riêng với những giảng đường, ký túc xá và khu văn phòng. Càng ngày khuôn viên trường càng được mở rộng ra. Do được phát triển dần theo thời gian nên mỗi khu vực của trường đều hoàn thiện dần các công năng như giảng đường, thí nghiệm, ký túc xá.
- Hiện nay, tại đây tập trung xây dựng rất nhiều những trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành và các công ty, đơn vị kỹ thuật.
Hình 1: Đại học Harvard [2]
1.1.2. Đại học Oxford và Cambridge (Anh)
Đô thị đại học Oxford và Cambridge không có tường bao ngăn cách với thành phố, không có cổng trường. Các khoa, viện chuyên ngành được phân bố khắp các con đường toàn trên thành phố. Giao thông công cộng vừa là của trường vừa là của thành phố.
Hình 2: Đại học Oxford và Cambridge [2]
1.1.3. Đại học Tsukuba (Nhật Bản)
Đại học Tsukuba có khoảng 20.000 sinh viên, được hình thành với sự quản lý chặt chẽ về mặt quy hoạch từ ban đầu. Trường không xây dựng tường bao ngoài, chỉ sử dụng những không gian cây xanh và hồ nhân tạo để ngăn cách. Trong khu vực này còn có 10 trường tiểu học, trung học phục vụ cho dân cư sinh sống tại đây.
Hình 3: Đại học Tsukuba [6]
1.1.4. Đô thị đại học Phố Hiến - Hưng Yên (Trung Quốc)
- Theo lý thuyết quy hoạch hiện đại, môi trường sinh thái là một yếu tố cần thiết cho các đô thị đại học; tại Trung Quốc đây được coi là nguyên tắc bắt buộc khi lập quy hoạch, nhằm tạo môi trường học tập - nghiên cứu và sinh hoạt tốt nhất, có chất lượng cao và thu hút cộng đồng
- Đô thị đại học Phố Hiến có khu giáo dục và đào tạo nằm ở vành ngoài khu đô thị, có tổng cộng 12 cụm trường đại học và 2 cụm nghiên cứu, từng cụm liên kết với trục trung tâm đô thị bằng các tuyến không gian mở và các tuyến phố đa chức năng. Cuộc sống đô thị và cuộc sống trong mỗi khu trường đại học tương tác, hỗ trợ nhau, và cùng liên kết tạo thành một cấu trúc thống nhất.
- Hệ thống kênh nước ở đây được hình thành hoàn chỉnh, bao quanh các cụm trường đại học, kết hợp với các không gian cây xanh tạo thành những dải ngăn cách mềm tự nhiên giữa các cụm trường đại học với các khu dân cư và đường giao thông đối ngoại.
Hình 4: Đô thị đại học Phố Hiến [3]
1.2. Một số đô thị đại học tại Việt Nam
Đại học quốc gia Hà Nội, đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh và đại học Đà Nẵng được chọn để phát triển thành đô thị đại học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chính của Việt Nam.
1.2.1. Đô thị đại học quốc gia Hà Nội
- Dự án Đại học quốc gia Hà Nội được khởi công vào năm 2003 tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được triển khai trên tổng quỹ đất lên đến 1.000ha. Quy mô đào tạo cho giai đoạn năm 2020 là 60.000 sinh viên và dự trữ phát triển cho giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050 là 100.000 sinh viên.
- Dự án được quy hoạch theo mô hình hướng tâm, với các lớp không gian vành đai bao quanh hạt nhân là khu trung tâm. Khu vực trung tâm bao gồm các công trình như trung tâm điều hành, thư viện trung tâm, nhà văn hóa... Vành đai thứ nhất dành cho các khoa trường đại học thành viên. Vành đai ngoài cùng là các cơ sở nghiên cứu, ký túc xá sinh viên, nhà công vụ và các đơn vị hỗ trợ đào tạo.
- Các viện và trung tâm nghiên cứu được bố trí thành 5 khu tập trung đáp ứng chỗ làm việc cho 28 đơn vị đến năm 2020 và dự trữ phát triển tại chỗ cho giai đoạn ngoài năm 2020.
Hình 5: Dự án đô thị đại học quốc gia Hà Nội [1]
1.2.2. Đô thị đại học Đà Nẵng
Dự án đô thị Đại học Đà Nẵng được phê duyệt từ tháng 12/1997 với quy mô đào tạo khoảng 30.000 sinh viên; diện tích gần 287 ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và phường Ðiện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Đây là khu chức năng đặc thù, là trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế.
Hình 6: Dự án đô thị đại học Đà Nẵng [4]
1.2.3. Đô thị đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang trong lộ trình xây dựng đô thị đại học, tọa lạc tại khu Đông Bắc thành phố, gồm quận 2, quận 9 và quận.Thủ Đức. Tổng diện tích khu đất của dự án là 643,7ha, phục vụ quy mô đào tạo đến 50.000 sinh viên.
- Khu đô thị sau khi hoàn thành sẽ gồm 05 khu chức năng lớn: Khu hành chính - dịch vụ; Khu đào tạo; Khu nghiên cứu - chuyển giao công nghệ (bao gồm khu phần mềm và công viên khoa học); Khu ký túc xá; Khu thể dục thể thao.
Hình 7: Dự án đô thị đại học quốc gia Hồ Chí Minh[5]
1.3. Bài học kinh nghiệm
- Việc lập quy hoạch đô thị đại học cần chính xác về qui mô dân cư, độ lớn và vị trí của khu đại học. Đưa ra một quy hoạch phát triển toàn diện và dài hạn chứ không phải là lập một kế hoạch hành động ngắn hạn cho một khu dân cư đó;
- Đô thị đại học được vận hành theo cách quản lý cộng đồng, chia sẻ nguồn lực và trách nhiệm, chia sẻ hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, và quá trình đô thị hóa... nhưng ngược lại cũng phá vỡ mô hình giáo dục - đào tạo chuyên sâu truyền thống của từng trường đại học.
- Đô thị đại học cần có điều kiện giao thông, thông tin liên lạc nhanh chóng, thuận lợi. Sinh viên hiện nay, ngoài việc học tập còn triển khai nghiên cứu phục vụ xã hội, bởi vậy phần lớn những khu đô thị đại học đều tập trung xây dựng tại những thành phố lớn, thuận tiện liên lạc.
Kết luận
- Mô hình đô thị đại học đã được thực hiện thành công ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, góp phần trở thành động lực và nền tảng phát triển bền vững riêng của chính đô thị đó. Tại Việt Nam, việc lựa chọn phát triển đô thị đại học có thể là một mô hình rất tốt tạo ra một cách làm mới, phát huy các thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực riêng của từng trường đại học thành viên.
- Tuy nhiên, cần áp dụng có chọn lọc các mô hình đô thị đại học từ nước ngoài sao cho phù hợp với con người và điều kiện tự nhiên tại mỗi quốc gia
- Cần ưu tiên nhu cầu tối đa cho con người chứ không phải cho nhà cửa, cần chú trọng đến chất lượng của giáo dục chứ không nên quá chú trọng kiến trúc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Khánh Anh (12/32019) - Dự án Đô thị Đại học đầu tiên ở phía Bắc. <https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1663/N10082/Du-an-do-thi-dai-hoc-dau-tien-o-phia-Bac:-100.000-sinh-vien-se-hoi-tu-o-Hoa-Lac.htm>, xem 12/3/2019
[2]Thăng Điệp (31/10/2018). 10 trường đại học tốt nhất thế giới,
<http://vneconomy.vn/10-truong-dai-hoc-tot-nhat-the-gioi-20181031104103877.htm>, xem 12/3/2019
[3] Ngô Lê Minh, Đô thị đại học – Góc nhìn từ các nhà thiết kế đô thị Trung Quốc. Tạp chí Quy hoạch Xây dựng (Bộ Xây Dựng), tháng 7-8/2011
[4] Khu đô thị làng đại học Đà Nẵng
<http://dathanhreal.com/san-pham/khu-do-thi-lang-dai-hoc-da-nang/>, xem 12/3/2019
[5] (11/12/2018). Thông tin các cuộc thi thiết kế quy hoạch, <https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/>, xem 12/3/2019
[6] Trường đại học Tsukuba Nhật Bản
<thanglongosc.edu.vn/truong-dai-hoc-tsukuba-nhat-ban.html>, xem 12/3/2019