GIỜ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
 
Từ Thứ 2 đến Thứ 6:

Sáng:
7 giờ đến 11 giờ

Chiều:
13 giờ đến 17 giờ




Liên kết website :
Số người truy cập: 1.491.936
Đang online: 74
[ Đăng ngày: 17/05/2020 ]

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA KIẾN TRÚC NHÀ Ở

THỜI KỲ THUỘC PHÁP Ở VIỆT NAM

GENERAL CHARACTERISTICS OF FRENCH ARCHITECTURE IN FRANCE IN VIETNAM

THS. KTS. ĐỖ DUY KHANG

Khoa Kiến trúc, Trường ĐHXD Miền Tây

Điện thoại: 0909272394; Email: doduykhang@mtu.edu.vn

Tóm tắt

Nhà ở là thành phần chủ yếu tạo nên cấu trúc không gian đô thị trong các khu phố. Mỗi khu ở có những loại hình nhà tiêu biểu khác nhau, phát triển và biến đổi trên những đặc điểm văn hoá, xã hội và kinh tế khác nhau, song chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau. Trong đó, trước hết phải kể đến các yếu tố như quan điểm về ở, cách sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng cũng như phương pháp quy hoạch phương Tây đã làm biến đổi đáng kể nhà ở phố trong đô thị Việt Nam truyền thống. Sau đó là các yếu tố văn hoá, khí hậu và cảnh quan địa phương tham gia hình thành rồi hoàn thiện ngôi nhà mang bản sắc Đông Dương [1].    

Từ khóa: nhà ở, kiến trúc thời kỳ thuộc Pháp

Abstract:

Housing is a key component of the urban space structure in the neighborhood. Each type of residence has different types of houses, growing and transforming on different cultural, social and economic traits, but they also influence each other. First and foremost, factors such as the concept of accommodation, the use of materials and construction techniques as well as the method of Western planning have significantly altered houses and streets in Vietnam's urban centers. traditional. Then the cultural factors, climate and local scenery take shape and complete the house with Indochina identity.

Keywords: house, French colonial architecture

1. Các loại kiến trúc nhà ở trong thời kỳ thuộc Pháp

1.1 Biệt thự

Thường gặp là loại nhà 2, 3 tầng có vườn trên ô đất riêng, có cổng và tường rào, được chuẩn bị trước về quy hoạch và cơ sở hạ tầng đô thị. Đây là loại nhà ở gia đình theo kiểu phương Tây của tầng lớp có địa vị hoặc có tiền trong xã hội chịu ảnh hưởng của tư tưởng thành phố vườn một tư tưởng thịnh hành ở Châu Âu vào đầu thế kỷ XX.

Nhà ở dạng biệt thự chia làm 2 loại [2].

-
   Loại biệt thự xây dựng phổ biến trong các khu phố được kiến thiết sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Loại này không gian có quy mô nhỏ, có phòng khách, phòng ăn, các phòng ngủ ở cả hai tầng, một số phòng phụ gắn với nhà chính hoặc nhà phụ.

-
   Loại biệt thự được xây dựng với tiêu chuẩn cao hơn ở thời kỳ (1920- 1945). Ở thời kỳ này biệt thự được chia thành 2 loại:

Loai thứ 1 xây dựng thuần tuý để ở, chủ nhân là người Pháp và các tầng lớp trí thức, sĩ quan, tư sản. Cấu trúc 2, 3 tầng có nhà phụ hoặc dùng tầng dưới cho người giúp việc. Các chức năng của một biệt thự này cũng rất đầy đủ, có tiền phòng, sảnh trung tâm, phòng khách tương đối lớn, các tầng trên cũng có sảnh chia ra các phòng sinh hoạt riêng biệt, các phòng ngủ đều gắn với khu phụ;

Loại thứ 2 vừa mang tính chất biệt thự để ở, vừa mang tính chất công sở làm việc. Loại này các phòng rộng rãi, hành lang chạy suốt mặt trước, hoặc ở trục giữa chia đôi nhà. Loại này không phổ biến nhưng cũng có rải rác ở các khu phố cũ của Pháp. Chủ nhân thường là các quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền bảo hộ. Các phòng chức năng cũng đầy đủ tiện nghi. Công trình đặt trong tổng thể sân rộng rãi, cách xa mặt đường, góc nhìn rộng, sảnh sang trọng, tam cấp nhiều bậc...

Niên đại xây dựng những công trình biệt thự này cũng có khá sớm 1918- 1920. Các loại biệt thự được thiết kế tương đối kỹ được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của thợ xây dựng Việt Nam. Các công trình này chủ yếu do người Pháp thiết kế vào những năm 1935- 1940 một số công trình biệt thự cũng đã có sự đóng góp về thiết kế của kiến trúc sư Việt Nam. Một số công trình biệt thự kết họp công sở ở Hà Nội: (nhà 46 Tràng Thi ,xây dựng năm : 1925,)


1.2 Nhà phố

Xuất phát từ tên gọi dân gian của ngôi nhà trong các đô thị cổ Việt Nam, chức năng vừa để ở vừa để buôn bán, vẫn còn mang đậm nét dấu ấn của ngôi nhà dân gian ở nông thôn. Tuy vậy. để hoà nhập cuộc sống mới, ngôi nhà hàng phố trong đô thị mới mà người Pháp quy hoạch cũng đã phải biến đổi để phù hợp với lối sống hiện đại .Loại nhà này chủ yếu cho người Việt Nam ở. Về kiến trúc theo tỉ lệ phương Tây, rõ nét nhất là ở độ cao mỗi tầng từ 4 đến 4,5m làm thay đổi cấu trúc nhà hàng phố vốn có từ trước đây. Nhà xây gạch kiên cố từ 2 đến 3 tầng, được xếp dọc theo tuyến phố mới mở hoặc xây xen lẫn cả vào phố cổ . Nhìn chung kiểu nhà hàng phố này tiện cho sinh hoạt, các phòng khách, ăn, ngủ bố trí riêng biệt. Cây xanh được đưa vào tận bên trong nhà tạo ra không gian kiến trúc gần với thiên nhiên. Đối với nhà hàng phố thường xây dựng chung kiên cố, nằm trên cùng một dẫy phố và chia ra làm hai loại [2].

Loại 1 được xây dựng theo dạng căn hộ độc lập, ghép với nhau đôi một (có thể hai nhà cùng quay ra mặt phố, hoặc một nhà ở trong, một nhà ở ngoài- Khu phụ là một dãy nhà ngang ở đằng sau. Các hộ có lối đi riêng biệt, có sân riêng (rất nhỏ).

Loại 2 khác là loại nhà cho thuê, do chủ xây dựng đứng ra xây hàng loạt giống nhau ở một dãy phố, xếp thành dãy, tường ngăn giữa các hộ xây chung. Khách hàng thuê loại nhà xây thường là các viên chức nhỏ, nhà buôn, sinh viên, học sinh.... Do xây ghép chung nhiều hộ ta tạm gọi là nhà liên kế.

Loại 3 nhà ở hàng phố mang tính chất gần giống kiểu biệt thự, xung quanh có sân vườn nhỏ, có gara ôtô ở nhà phụ. Công trình thường xây 2 tầng, mặt bằng tổ chức theo kiểu cầu thang đặt ở giữa nhà chính hoặc đặt theo chiều dài nhà . Sự vay mượn trong ngôn ngữ kiến trúc ở các thể loại này nói lên chủ nhân của nó là tầng lớp thị dân mới hình thành và chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp. Tầng lớp này mới giàu lên và có nguồn gốc xuất thân khác nhau, chưa thể có được những chuẩn mực văn hoá ổn định nên đã không tránh khỏi những sao chép, thiếu chọn lọc [3].


2. Các đặc điểm chung của Kiến trúc nhà ở trong thời kỳ thuộc Pháp

Người Pháp đã khai thác triệt để trong giải pháp quy hoạch, tạo các trục, tuyến phố chính phụ, các công trình có quy mô lớn thường chiếm vị trí kết thúc một trục đứng hay ở các nút giao thông lớn. Các hồ nước, cảnh quan thiên nhiên được khai thác gắn với tổng thể quy hoạch chung.

Ở đồng bằng việc đối phó với khí hậu được đặt ra tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên khí hậu ở từng vùng. Ở các thành phố phía Bắc, các công trình chủ yếu đối phó với môi trường nóng ẩm. Ở Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung phải đối phó với lượng mưa lớn kéo dài, cái nắng dữ dội của vùng khí hậu chuyển tiếp và các đợt gió Lào. Ở Nam Bộ độ ẩm của không khí giảm đi nhiều so với Bắc Bộ song phải đối phó với hai mùa trong năm là mùa mưa và mùa khô. Do nhiệt độ luôn cao hơn ở miền Bắc cho nên nhà cửa của người Pháp xây dựng ở đồng bằng song cửu long cũng có những điểm khác ở Hà Nội. Các biệt thự chủ yếu là mái dốc có ưu điểm chống nắng, mưa tốt. Diện tích hiên , hành lang, cửa sổ chiếm tỉ lệ lớn.

Địa chất đặc trưng của vùng châu thổ Sông Cửu Long, có cao độ tự nhiên thấp và do ảnh hưởng của thủy triều biển đông nên có mực nước ngầm mạch nông. Là vùng đất phù sa bồi lắng kết hợp trầm tích, lớp mặt có nhiều chất hữu cơ. Đây là vùng đất có hệ thống kênh rạch nhiều dẫn đến nền đất yếu cường độ chịu tải thấp từ 0,2 - 0,5 kg/cm². Nên phần móng công trình được xử lý nền móng bằng đá hộc, đóng cọc bằng gỗ ( cừ tram ) đệm cát, móng công trình được mở rộng chiều ngang có nơi lên đến 2m, móng được xử lý rất kỹ dưới sự giám sát chặt chẽ.

   Khí hậu có biên độ nhiệt ngày đêm nhỏ, chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau[5]. Mưa nhiều kèm gió mạnh, nắng nóng. Chính những đặc tính của khí hậu tác động đến sự hình thành các biện pháp trong kiến trúc thời kỳ thuộc Pháp như sau:

Điểm nổi bật của các công trình kiến trúc Pháp đã khai thác đặc điểm của kiến trúc nhiệt đới ẩm mà dáng vẻ của nó gần với kiến trúc bản địa là hệ thống cửa đều có mái che chìa ra ngoài mặt nhà. Chúng cố định hay không cố định. Mục đích chính là giảm bớt lượng bức xạ ngoài trời chủ yếu là trực xạ vào trong phòng, thực hiện chức năng chống nắng, chống chói ở khí hậu nhiệt đới. Về cấu tạo kiến trúc thường gặp ô văng bằng và mái dốc lợp ngói xuất phát từ mái đua cổ truyền của các nước nhiệt đới.

Mái hắt có độ dốc từ 25-35 độ tạo ra độ gãy khúc của tường gây hiệu quả chống nóng tốt. Một số công trình theo trào lưu Modeme có dùng tẩm che nắng là tấm đứng cố định, loại tấm che nắng này vuông góc vói mặt phẳng cửa, đảm bảo thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Các công trình kiến trúc xây cuối những năm 20 theo xu hướng kiến trúc Đông - Tây phần mái thường đưa ra để che nắng cho cửa, thân tường và ô thoáng sát trần.

Nhìn chung cấu tạo tường thẳng và phẳng tác dụng chống nóng không tốt bằng tường gãy khúc. Loại tường này cũng tạo điều kiện thông gió tự nhiên nếu công trình đặt đúng hướng gió, ánh sáng cũng lấy được nhiều hơn.

  • Đối với mái nhà: độ dốc thường từ 25°- 38° : Ớ Pháp khi sử dụng tầng hầm mái thì vẫn dùng trần bê tông cốt thép hoặc trần toóc xi, hoặc trần gỗ được ốp theo độ dốc của mái. Do điều kiện khí hậu nóng ẩm, nên các nhà ở đây người Pháp ít dùng tầng áp mái, loại mái dốc này có tác dụng tốt chống tác động nhiệt mạnh và dao động nhiệt lớn. Tuy vậy không gian trên trần mái vẫn rất thoáng mát nhờ hệ thống cửa sổ mái, lỗ thoáng và những viên ngói có lỗ thoáng được sản xuất đặc biệt theo kỹ thuật Pháp. Tầng trên cùng nhờ lớp mái có cách nhiệt này đã hoàn toàn tránh được hấp thụ nhiệt.
  • Đối với mái bằng thì hiệu quả bức xạ mặt trời giảm so với mái dốc 2 bên. Các công trình mái bằng thường có lớp cách nhiệt chống nóng mái bằng gạch lỗ hoặc tạo mái 2 lớp có khoảng không gian trống ở giữa, không khí chuyển động được bên trong. Tính hiệu quả của giải pháp này là ban ngày thì cách nhiệt còn ban đêm thì nguội đi nhanh chóng nhờ thông với không khí bên ngoài. Điều đó làm tăng thêm khả năng của kết cấu bao che vào mùa hè. Giàn hoa trên mái bằng cũng có tác dụng chống nóng.
  • Đối với tường:  Thường được cấu tạo dày ở các tầng trệt tầng 2, giảm độ dày ở tầng 2, 3,.. kết hợp mái hắt nghiêng hay cửa chớp có ý nghĩa lớn không chỉ trong việc tổ chức thông gió tự nhiên dưới tác dụng của gió mà còn hạ thấp được lượng nhiệt bức xạ mặt trời qua kết cấu bao che. Cộng với việc xử lý chống hấp thụ nhiệt đới với các công trình thuộc địa ở các vùng khí hậu nóng khô như ở Châu phi, người Pháp hay dùng biện pháp rải 1 lớp vật liệu cách nhiệt có độ phản xạ 60% hoặc bọc mái bằng một loại màng mỏng làm bằng chất dẻo có màu sáng ít chịu tác động của tia sáng mặt trời. Ngoài ra trong nhiều nhà biệt thự , người Pháp có dùng biện pháp trổng cây leo tường, leo mái để hạ thấp nhiệt độ không khí vào nhà.
  • Đôi với cửa: Cửa chớp gỗ được dùng phổ biến cho các công trình kiến trúc Pháp mà trước khi Pháp vào ở Việt Nam rất hiếm thấy loại cửa này. Ở chính quốc người Pháp dùng lớp cửa ngoài bằng sắt có chớp nhưng cấu tạo khác chớp của cửa gỗ. Bởi vì gió nóng với khí hậu nóng không có nhiều ở Pháp, loại cửa chớp này có tác dụng chống hấp thụ nhiệt có hiệu quả cao.

  • Thông gió tự nhiên có được nhờ chênh lệch áp lực không khí nhờ hệ thống cửa của ngôi nhà. Việc bố trí hợp lý các lỗ cửa để đón gió và thoáng gió, các lối dẫn gió xuyên phòng người Pháp đã tạo hiệu quả thông gió tự nhiên tốt. Thông thường hay gặp cách xử lý cho công trình thông gió tự nhiên: các phòng xây cao 4 - 4,5 m, bố trí cửa ở hai phía của phòng hợp lý, xử lý tấm chớp và ô thoáng, sử dụng tường phẳng ít dùng tường gãy khúc cũng tạo điều kiện cho thông gió tự nhiên trong phòng.
 

  • Tạo bóng mát:
Cây xanh có mối liên hệ chặt chẽ với công trình là đặc điểm của kiến trúc Pháp ở Việt Nam. Việc trồng cây xanh cũng đã được người Pháp lựa chọn khá tinh tế cho phù hợp với điều kiện khí hậu VN. Những cây có tán rộng, phân cành sớm thường được trồng ở các nhà ở biệt thự và công trình văn hoá (cau bụng, chuối tây....)

Cây có tán lá cao thông thoáng có thể trồng để che nắng mặt đất mặt tường, mặt mái nhà thấp mà vẫn đảm bảo thoáng gió và không che chắn tầm nhìn. Hướng Tây chủ yếu là cây có tán lá rộng, phân cành sớm. Cây xanh đã góp phần đáng kể hạn chế sức nóng, bức xạ mặt trời đối với thân nhà, giảm được một cách đáng kể sự toả nhiệt của môi trường bao quanh, góp phần chống ô nhiễm không khí, bụi bặm và tiếng ồn.

Ở trên sân thượng, mái nhà các công trình kiến trúc thuộc địa xây sau năm 30 hay dùng dàn hoa bê tông pergola cho cây leo lên tường và mái nhà, chống nóng tốt khi có lượng bức xạ nhiệt độ không khí trong nhà. Mặt nước, cây xanh là những “bề mặt lạnh” kết hợp phủ cỏ lên bề mặt đất thay cho diện tích bê tông có tác dụng giảm nhiệt phản xạ đáng kể tới mặt nhà.

  • Tạo không gian đệm:
Hành lang Thường được bố trí một bên hay cả hai bên, hành lang giữa ít được dùng hơn cả vì nó hạn chế thông gió tự nhiên tốt cho các phòng. Hành lang hiên được phát triển trên cơ sở cái hiên cổ truyền, thực tế hành lang ngoài chức năng giao thông còn là không gian chuyển tiếp từ môi trường thiên nhiên chói chang nóng bức bên ngoài vào môi trường nhân tạo bớt nóng , ít chói chang, kín đáo. Nó làm nguội bớt không khí nóng trước khi được gió mang vào nhà và che bớt ánh nắng mặt trời.

Ban công ,logia, diềm mái : Các loại ban công đưa ra ngoài tường được sử dụng nhiều ở kiến trúc bản địa nhiều hơn ở chính quốc. Ban công cùng với các thành phần khác đóng góp vào việc che chắn các tia nắng theo mặt cắt đứng, có hiệu quả cao về che nắng, mưa, tạo dáng kiến trúc, người Pháp đã khai thác tốt loại hiên này để tạo ra nét kiến trúc độc đáo mang phong cách gần vói kiến trúc Á Đông.

  • Xử lý màu sắc:

Việc xử lý màu sắc ở kiến trúc thuộc địa Đông Dương cảm giác nhìn thường gần với khung cảnh thiên nhiên và phù hợp với khí hậu. Màu vàng nhạt hay màu trắng của tường có tác dụng phản xạ nhiệt. Tương quan giữa trắng, vàng với màu ngói đỏ và cây xanh tạo nên hoà sắc dễ chịu. Mùa hè với khí hậu nóng, không gian ngôi nhà rất cần sự mát mẻ, mùa đông thì cần sự ấm áp, do vậy màu vàng, màu lục nhạt của vôi ve đã được dùng rộng rãi thích hợp quanh năm cho khí hậu nhà miền Bắc. Ở miền Nam khí hậu nóng ẩm, độ ẩm ít hơn so với ở miền Bắc, màu vôi tường sử dụng chủ yếu là màu trắng. Màu sơn cửa chủ yếu lấy theo màu của cây xanh, màu sắc của thiên nhiên.

  • Chống mưa:

Do đặc điểm lượng mưa khá lớn cả ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam nên các công trình kiến trúc thuộc địa đã chú ý đến vần đề thoát nước mái, hệ thống máng, mái hắt ô văng ...Mưa ở nước ta thường chi phối bởi gió nên sự rơi của hạt mưa lên các mặt phẳng nghiêng và đứng phụ thuộc vào vận tốc gió.

Mái nhà thường làm đưa ra xa tường để chống hắt. Vận tốc rơi thẳng đứng của mưa phụ thuộc vào cường độ mưa. Nhìn chung các mái nhà kiến trúc Pháp có độ nghiêng lớn hơn mái nhà dân gian Việt Nam, một phần do họ đã có kinh nghiệm chống mưa nhiều và tuyết rơi ở chính quốc, một phần khác để công trình có tỉ lệ cân đối với tổng thể chung.

Mái hắt đưa ra xa được xác định bởi góc che mưa tính đến vận tốc gió từ 4 - 15m/s. Thông thường để đảm bảo vừa che mưa vừa có độ sáng cần thiết góc che mưa thường từ 20 + 30°. Sênô thoát nước mái thường dùng bằng tôn đối với nhà mái dốc, bằng bê tông cốt thép đối với nhà trần phẳng mái bằng. Vào cuối những năm 30 xuất hiện loại sênô máng tôn để lẫn trong mái cách mép 30 - 40cm, để đáp ứng thẩm mỹ kiến trúc và tăng hiệu quả thoát nước mái. Hệ thống hiên, ô văng, chớp là những thành phần đóng góp đáng kể cho việc chống hắt. Khác với kiến trúc ở ngay nước Pháp, vấn đề xử lý ô văng, mái hắt rất hạn chế bởi vì mưa ở đó trong trạng thái vận tốc gió nhỏ. Do lượng nước mưa thoát từ mái nhà xuống qua sênô, ống thoát nước bằng kẽm hoặc thép xuống đất được dẫn vào hệ thống rãnh, ga thu nước ở mỗi công trình. Nước thoát ra cống chung của đường phố với cơ sở hạ tầng tốt nên tránh được tình trạng ngập úng. Vào mùa mưa bão thường có sấm sét, các công trình của người Pháp đều xử lý biện pháp chống sét bằng hệ thống thu lôi chống sét qua dây tiếp địa đưa xuống đất[4].

  • Các phong cách kiến trúc

+        Phong cách kiến trúc tiền thuộc địa

Là loại kiến trúc đơn giản “với quan niệm một kiểu kiến trúc xứ nhiệt đới thô sơ thời bấy giờ” các loại công trình có dạng mặt bằng hình chữ nhật có hành lang bao quanh chạy 4 phía (hành lang rộng 2,5m – 3,5m), bước cột 4 – 5m cửa cuốn gạch hình cung hoặc bán cầu có khóa vòm đôi khi dùng cuốn thép hình, sàn dùng thép hình IPN làm dầm đỡ trên cuốn gạch, mái ngói Tây, ngói đá ardoise hay lợp tole[3].

+        Phong cách kiến trúc Tân cổ điển

Ít có những công trình xây dựng ở Việt Nam mang phong cách thuần túy mà thường có sự pha trộn thêm một số phong cách khác. Phong cách này được tạo ra để phù hợp với cái ưa thích của trường phái cổ điển Pháp như mái nhà kiểu măngxac (một mái nhà măngxac có hai mái dốc trên mỗi bên và sử dụng như là tường mặt tượng, kiến trúc sư cung đình ngưới Pháp la Francois Mansard đã nghĩ ra hình trang trí để tạo ra diện tích mái như là một nhân tố quan trọng trong mặt chính), bức tường mộc mạc, các huy chương lớn và các vòng hoa. Ở khu vực sảnh chính thường được nhấn mạnh bằng các xử lý về khối nhô ra hoặc thụt vào hoặc xử lý ở phần mái. Các chi tiết ở trục chính được khắc họa gây ấn tượng mạnh bằng các thức, nảy trụ, xương tường, phân vị các cửa đặc biệt hơn chỗ khác[3].

+        Phong cách kiến trúc địa phương Pháp

Là những ngôi nhà mang dáng vóc của các miền ở nước Pháp tùy theo quê quán của chủ nhân ngôi nhà đó. Như là những ngôi nhà ở miền bắc nước Pháp là kiểu nhà mái dốc lợp ngói kích thước lớn và vươn ra xa ngoài mặt tường nhờ hệ thống con sơn gỗ mái được gia công cầu kỳ, qui mô công trình khoảng 2 tầng, các chi tiết kiến trúc trên mặt đứng được xử lý kỹ lưỡng và có chất lượng thẩm mỹ cao. Hoặc với dáng vóc miền trung nước Pháp với mái dốc ít dốc hơn ở miền bắc, bố cục mặt đứng tự do không đối xứng và có xu hướng phân vị theo chiều cao, các chi tiết cửa phong phú, trang trí tường ít, họa tiết tinh tế thường ở gần cửa và ban công đặc biệt thường gặp ở của sổ phía trên tầng 2 và vòm cuốn gần mái. Và kiểu miền nam nước Pháp với kiểu kiến trúc như mái ít dốc, hai đầu mái có hai mái ngắn, hệ thống cửa mở nhiều chiếm nhiều diện tích trên thân nhà thì ít được xây dựng ở Việt Nam hơn là kiểu miền Bắc và miền trung của nước Pháp bởi người Pháp ở miền nam ít đi các thuộc địa xa ở châu Á[23]. Tuy nhiên có thể thấy một số công trình kiến trúc mang dáng vóc của kiến trúc địa phương Pháp như: trường THPT Châu Văn Liêm, nhà phố…

+        Phong cách Modern

Từ bỏ hệ thống cách thức cột cổ điển La Mã. Hình khối chắc khỏe, đường nét đơn giản. Nhấn mạnh kết cấu và vật liệu mới, kết cấu bê tông cốt thép, tường phẳng. Mặt đứng phản ảnh khá trung thực cấu trúc mặt bằng. Mái dốc lợp ngói hoặc mái bằng, đường nét kiến trúc ngang bằng xổ thẳng nhấn mạnh những góc vuông. Cửa sổ lớn, cửa kính nhiều ô văng, ban công cửa sổ đưa ra xa hơn, xử lý thoát nước bằng hệ thống se nô bê tông cốt thép[3]. Như công trình Ngân hàng nhà nước ở bến Ninh Kiều thành phố Cần Thơ, nhà Hữu Nghị,… mang phong cách kiến trúc modern với mái dốc lợp ngói và mái bằng, cùng với đường nét kiến trúc ngang bằng xổ thẳng nhấn mạnh những góc vuông trên mặt đứng và cửa sổ lớn nhiều kính.

+        Phong cách kiến trúc Đông Dương

Phong cách kết hợp Á – Âu. Đặc điểm cơ bản của phong cách kiến trúc Đông Dương thể hiện ở sự cấu tạo hệ mái dốc lợp ngói ta với nhiều lớp mái đa dạng kể cả sảnh và mái ô văng, với hệ dầm con sơn đỡ mái, cùng các chi tiết hoa văn trang trí bề mặt tường ở hành lang, lang can… tất cả đều phỏng theo đặc điểm quen thuộc của kiến trúc Phương Đông[3]. Phong cách kiến trúc này có thể thấy rõ nhất ở Chợ Cần Thơ với phong cách kiến trúc kết hợp Á – Âu, về tổng thể mang phong cách kiến trúc phương Tây nhưng vẫn có sự ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa phương Đông như kiểu mái dốc của chợ, tỉ lệ độ cao của mái và thân có sự ảnh hưởng của kiến trúc đình chùa Nam Bộ của Việt Nam.

3.   Kết luận

Kiến trúc nhà ở trong thời kỳ thuộc Pháp được phân khu chức năng trong đô thị, phân chia riêng biệt giữa khu người Việt và khu người Âu, được chuẩn bị hạ tầng trong phương án quy hoạch ban đầu. Các không gian chức năng: phòng khách, phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung,.. được bố trí theo các tiêu chuẩn phương Tây, hình thức kiến trúc kỹ thuật xây dựng thuần Châu Âu. Về sau dưới sự tác động của các yếu tố văn hóa, khí hậu và cảnh quan tự nhiên địa phương hoàn thiện hình thành ngôi nhà mang bản sắc Đông Dương. 

Tài liệu tham khảo

[1] 18 Nguyễn Q. Thông, Những biến đổi hình thái không gian quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc.

[2] 22Nguyễn Đình Toàn (1995), Kiến trúc nhà ở khu phố cũ Hà Nội thời Pháp thuộc, Luận văn thạc sĩ, ĐHKT.

[3] 23 Nguyễn Đình Toàn (1998), Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hóa bản địa trong kiến trúc thời thuộc Pháp ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Hà Nội.

[4] 26 Võ Trần Đình Trân (1999), Kiến trúc nhà ở thấp tầng kiểu Pháp tại Sài Gòn dưới ảnh hưởng của khí hậu địa phương, Luận văn thạc sĩ, TP.Hồ Chí Minh.

[5] 31 Nhiều tác giả: Huỳnh Đỉnh Chung – Nguyễn Thị Ngọc Hân – Phan Thị Mỹ Hồng – Lê Thị Kim Thúy (2010), Nhà cổ ở thành phố Cần Thơ, NXB Đại Học Cần Thơ.

CÁC TIN KHÁC