GIỜ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
 
Từ Thứ 2 đến Thứ 6:

Sáng:
7 giờ đến 11 giờ

Chiều:
13 giờ đến 17 giờ




Liên kết website :
Số người truy cập: 1.491.359
Đang online: 19
[ Đăng ngày: 11/01/2020 ]

XU HƯỚNG KIẾN TRÚC XANH VÀ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG

VÀO ĐỒ ÁN SINH VIÊN KIẾN TRÚC

THE GREEN ARCHITECTURAL TREND AND APPLICATION FOR ARCHITECTURE PROJECT

THS. KTS HÀ XUÂN THANH TÂM

Khoa Kiến trúc – Trường ĐH Xây dựng Miền Tây

Số điện thoại: 0932881309

Email:haxuanthanhtam@gmail.com

Tóm tắt:

Bài viết tìm hiểu khái quát về xu hướng Kiến trúc xanh và thực trạng đồ án sinh viên kiến trúc hiện nay. Qua việc tìm hiểu các nội dung liên quan đến xu hướng kiến trúc xanh, cũng như các vấn đề khó khăn mà sinh viên kiến trúc hiện nay hay gặp phải trong quá trình áp dụng vào đồ án, từ đó có thể rút ra một số gợi ý cho sinh viên về việc tiếp cận và vận dụng vào trong đồ án một cách hiệu quả hơn.

Từ khóa: kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái, đồ án

Abstract:

The article explores an overview of the Green Architecture trend and the current status of the course project of architecture students. By understanding the content related to the green architecture trend, as well as the difficult problems that current architecture students encounter in the process of applying this trend to the project, then it can be withdrawn give some suggestions for students to access and manipulate into the project more effectively.

Keywords: Green architecture, Sustainnable Architecture, Biological Architecture, project

1.    Đặt vấn đề

Có thể nói xu hướng kiến trúc bền vững nói chung hay kiến trúc xanh nói riêng - đang là xu hướng hàng đầu của thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay. Vì thế các xu hướng này đã và đang được nghiên cứu và đào tạo ở các trường đại học về kiến trúc, xây dựng trên cả nước. Tuy nhiên với thời gian tiếp cận chưa nhiều của sinh viên cùng với đặc trưng khác nhau của các thể loại đồ án nên việc tìm hiểu và vận dụng các xu hướng kiến trúc là không hề đơn giản.

2.    Xu hướng kiến trúc xanh – sinh thái – bền vững

-  Kiến trúc xanh: hiện nay đã có nhiều khái niệm, định nghĩa của các tổ chức uy tín ở Việt Nam về kiến trúc xanh nhưng có thể hiểu đơn giản “Kiến trúc xanh là kiến trúc được tạo dựng nên bởi những vật liệu thân thiện với môi trường; hài hòa, không phá vỡ cảnh quan chung quanh; gắn bó con người với thiên nhiên; không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa năng lượng hóa thạch, nước sạch…”

-  Kiến trúc sinh thái: có thể nói kiến trúc sinh thái cũng được hiểu gần như tương tự về kiến trúc xanh nhưng hơi hướng phát triển chủ đạo của nó là cộng sinh với môi trường tự nhiên và giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường. Đặc điểm chung của kiến trúc sinh thái ở nhiều nơi trên thế giới là đều sử dụng vật liệu tự nhiên như đất, đá, gỗ, tranh, tre… và đều dựa vào kinh nghiệm xây dựng đúc kết từ ngàn đời qua cách ứng xử của các thế hệ cha ông với khí hậu, với thiên nhiên môi trường sống để có thể tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. Vì thế có thể thể thấy kiến trúc sinh thái hay kiến trúc xanh đểu hướng tới không gian sống có chất lượng tốt cho con người.

-  Kiến trúc bền vững: kiến trúc bền vững là một khái niệm rộng và đa nghĩa. Kiến trúc bền vững có thể xem là một phần được phát triển từ trong văn kiện về phát triển bền vững đã được thế giới tìm hiểu và đưa ra các chiến lược phát triển từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Vào thời điểm đó kiến trúc bền vững không phải là một xu hướng kiến trúc mới, mà là kết hợp tất cả các xu hướng kiến trúc có lợi cho Môi trường (Kiến trúc môi trường /Environmental Architecture), Sinh thái (Kiến trúc sinh thái /Biological Architecture), Năng lượng (Kiến trúc có hiệu quả năng lượng/Architecture efficiency energy), Thiên nhiên và con người (Kiến trúc khí hậu / Climatic Architecture). Tạm hiểu về phát triển bền vững là “Sự nâng cao chất lượng đời sống con người trong lúc đang tồn tại, trong khuôn khổ đảm bảo của các hệ thống sinh thái”, còn Tính bền vững là “một đặc điểm đặc trưng của một quá trình hoặc một trạng thái có thể duy trì mãi mãi”. Bền vững không chỉ lo về các vấn đề hiện tại mà còn cho cả tương lai “bền vững với thời gian”. Vì vậy có thể xem kiến trúc xanh và kiến trúc sinh thái là một phần trong kiến trúc bền vững hay kiến trúc bền vững bào hàm cả kiến trúc xanh và sinh thái. Kiến trúc xanh ra đời với các sản phẩm cụ thể là những công trình xanh, và công trình xanh được xem là những mục tiêu cụ thể của kiến trúc bền vững. Có thể coi công trình xanh (Green Building) là kết quả cho công việc thiết kế kiến trúc bền vững. Khái niệm “Xanh” thay thế hoàn hảo cho khái niệm bền vững, được tiếp nhận rộng rãi trên khắp thế giới. Sau này Kiến trúc bền vững được gọi là Kiến trúc xanh – Green Architecture để có thể thống nhất mục tiêu phát triển của giới thiết kế kiến trúc với phong trào Công trình xanh.

3.    Sinh viên với xu hướng kiến trúc xanh

3.1.  Tiếp cận xu hướng

Vấn đề đầu tiên là tiếp cận xu hướng. Mỗi một đồ án đều có mục tiêu thiết kế rõ ràng và vì thế sẽ có những cách tiếp cận và vận dụng khác nhau xu hướng kiến trúc xanh (hoặc những xu hướng khác) vào đồ án. Tuy nhiên nhiều sinh viên chưa quan tâm đến mục đích đạt được cuối cùng của đồ án là gì mà chỉ đơn thuần là “vẽ” và “diễn họa”.

3.2.  Khó khăn

Khó khăn xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và xảy ra phần nhiều đối với sinh viên năm nhất, năm hai, khi sinh viên còn đang định hình về tư duy thiết kế nên ít có thời gian suy nghĩ về “mục đích” thiết kế. Và khi sinh viên bắt đầu suy nghĩ về xu hướng trong thiết kế thì vấn đề nhầm lẫn trong xu hướng sẽ xảy ra cũng như chưa hiểu chính xác về xu hướng Kiến trúc xanh. Khá nhiều các khái niệm hay tên gọi về các trào lưu, xu hướng kiến trúc trên các phương tiện truyền thông nên dễ gây ra sự nhầm lẫn. Song song với đó chính là cách nhận diện nguồn tham khảo. Sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ về những trang Web đăng các nội dung về kiến thức và khoa học. Vì đa phần các trang Web ít chịu trách nhiệm về nội dung đã đưa lên cũng như không ai kiểm chứng về mức độ sự thật của các nội dung đó, vì thế cần phải tìm hiểu trên các trang web có uy tín về kiến trúc ở Việt Nam như kienviet.net, ashui.com, tapchikientruc.com.vn, vgbc.vn, baoxaydung.com, tapchixaydungbxd.vn…. Bên cạnh đó sinh viên còn hạn chế tích cực trao đổi với giảng viên khi gặp các vấn đề về xu hướng hay khả năng vận dụng vào đồ án.

3.3.  Thuận lợi

Nguồn tài liệu đa dạng trên Intternet tuy là sự khó khăn cho vấn đề tiêp cận của sinh viên nhưng cũng là những thuận lợi cho sinh viên. Sinh viên có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ có nhiều thuận lợi khi nghiên cứu về kiến trúc xanh trên các trang Web quốc tế. Xu hướng kiến trúc xanh có lợi thế hơn các trào lưu, xu hướng trước đây ở chỗ nó có tiêu chí và bộ công cụ đánh giá tương đối rõ ràng. Và hiện nay các tiêu chí về kiến trúc xanh của nhiều tổ chức cũng đã được công bố rộng khắp trên nhiều phương tiện truyền thông. Việc tiếp cận trực tiếp vào các tiêu chí sẽ khiến sinh viên có cái nhìn và hướng tiếp cận đúng đắn hơn khi vận dụng vào đồ án.

3.4.  Thực trạng đồ án sinh viên hiện nay

Nhiều đồ án còn mang nặng tính hình thức, “diễn họa”, chưa đi sâu vào “nội dung” bên trong công trình. Chưa định hình được phong cách thiết kế của bản thân, chưa tìm hiểu các xu hướng để vận dụng vào đồ án hoặc có tìm hiểu nhưng chưa đi sâu. Hay có những trường hợp còn suy nghĩ đơn giản như kiến trúc xanh là công trình sơn màu xanh hay bắt buộc phải trồng cây xanh trên công trình… Khi tham khảo vận dụng vào đồ án sinh viên thường chỉ quan tâm đến cách trình bày, thẩm mỹ bên ngoài công trình, chỉ quan tâm tới những yếu tố “hoành tráng”, “vĩ mô” của công trình hay đơn giản là cách diễn họa (render) của công trình. Những yếu tố sinh viên ít khi quan sát hay vận dụng mặc dù đây là yếu tố tiên quyết trong lúc hướng dẫn đồ án của giảng viên, chính là công đoạn phân tích khu đất và lựa chọn giải pháp hình khối, bố cục tổng thể cho công trình.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của kiến trúc xanh là tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Nắng, gió là những yếu tố năng lượng trong công trình. Và phân tích về nắng, gió để hình thành hình khối, bố cục tổng thể cho công trình chính là tìm ra giải pháp tiết kiệm năng lượng cho công trình, là phương pháp đơn giản nhưng lại quan trọng và hiệu quả nhất.


Hình 1. Những yếu tố sinh viên quan tâm – Trang trí bên ngoài công trình và vấn đề diễn họa [7], [8,] [9]

Hình 2. Những yếu tố sinh viên ít quan tâm – Phân tích hình khối và các yếu tố vật lý kiến trúc cho công trình [4], [10]

4.    Áp dụng

Đối với các tiêu chí của Kiến trúc xanh, không dễ để sinh viên có thể nghiên cứu vận dụng khi thời gian cho mỗi đồ án môn học là không nhiều. Vì thế gợi ý đưa ra là sinh viên có thể lựa chọn một trong các tiêu chí cụ thể để nghiên cứu phát triển, dần dần qua các đồ án kế tiếp để có thể hình thành kỹ năng, vận dụng phát triển toàn bộ các tiêu chí vào đồ án sinh viên, có thể là đồ án tốt nghiệp của ngành học hoặc các công trình thực tế sau này. Có thể thực hiện theo các giai đoạn sau:

1. Xác định xu hướng kiến trúc để vận dụng vào đồ án (kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững,…)

2. Lựa chọn một tiêu chí trong bộ tiêu chí của một tổ chức cụ thể: ở Việt Nam có thể sử dụng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam hoặc Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC). Nên lựa chọn của Hội kiến trúc sư Việt Nam vì phù hợp với đồ án sinh viên, và đây cũng là đơn vị tổ chức các cuộc thi về Kiến trúc xanh cho sinh viên có quy mô và uy tín nhất Việt Nam. Tiêu chí lựa chọn có thể là tiêu chí “sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả”. Đây là tiêu chí quan trọng và sinh viên có thể vận dụng dễ dàng. Và tiết kiệm năng lượng hay giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ là vấn đề nền tảng cho các xu hướng kiến trúc tương lai khi loài người phải đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.

3. Khảo sát, đánh giá hiện trạng khu đất, phân tích về nắng, gió, hướng nhìn. Song song tìm hiểu về ý tưởng hình khối cho đồ án. Đây chính là giai đoạn đầu của tiêu chí sử dụng năng lượng hiệu quả: lựa chọn mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất phù hợp quy hoạch và cảnh quan chung của khu vực. Lựa chọn hình khối công trình hoặc các khối chính giảm thiểu tối đa về bề măt nhận bức xạ nhiệt từ 2 hướng Đông – Tây, hướng chính công trình hoặc các khối chính trong công trình quay về hướng gió chính tự nhiên của khu vực.

4. Nghiên cứu thực hiện các nguyên lý thiết kế về công năng cho mỗi đồ án cụ thể theo sự hướng dẫn của giảng viên. Tổ chức không gian bên trong công trình thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên đến từng hạng mục nhỏ trong công trình. Giảm thiểu tối đa lượng khí nhà kính trong công trình

5. Tổ chức cảnh quan phù hợp cho công trình như cây xanh che chắn bớt bức xạ nhiệt vào công trình ở các hướng nhận bức xạ nhiệt trực tiếp và mặt nước làm mát không khí vào công trình ở các vị trí đón gió chính của công trình hoặc các khối chính

6. Tìm hiểu các giải pháp tiết kiệm năng lượng: lựa chọn vật liệu cho kết cấu bao che thân thiện với môi trường và có sẵn ở địa phương, sử dụng nước tái chế kết hợp trong công trình và mặt nước xung quanh công trình, sử dụng các vật liệu tái chế. Tiết kiệm năng lượng trong công trình bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như sử dụng pin năng lượng mặt trời, đèn cảm biến….

Ở đây cần gợi ý thêm sinh viên cần phải tham khảo nhiều hơn nữa các đồ án đã tham dự hoặc đoạt giải cuộc thi về Kiến trúc xanh từ nhiều nguồn tài liệu hoặc trang web kienviet.net. Có thể dễ dàng nhận thấy các đồ án không đặt nặng về vấn đề diễn họa, hình thức mà quan trọng là phân tích năng lượng, nghiên cứu không gian và tìm ra các giải pháp kết cấu, vật liệu mới hoặc có sẵn ở địa phương. Sử dụng tiết kiệm năng lượng và phù hợp với công trình.


Hình 3. Phân tích về nắng gió, thông thoáng, chiếu sáng cho toàn công trình [4]


 Hình 4. Phân tích thông thoáng, chiếu sáng đến từng hạng mục nhỏ bên trong và giải pháp về kết cấu bao che [5]

5.    Kết luận

Quá trình vận dụng các tiêu chí của kiến trúc xanh thật ra cũng tương tự các quá trình trong việc “nghiên cứu” thực hiện đồ án từ lúc tìm hiểu ý tưởng cho đến khi hoàn thành. Tuy nhiên do nhiều sinh viên đã bỏ quên công việc “nghiên cứu” mà chỉ tập trung vào “diễn họa” mà đồ án môn học không đạt được kết quả như mong muốn. Vì thế sinh viên cần phải tập trung nghiên cứu ngay trong giai đoạn đầu phân tích và tìm hiểu ý tưởng thì mới có thể áp dụng các tiêu chí của kiến trúc xanh vào trong công trình một cách hiệu quả cũng như nâng cao chất lượng đồ án môn học.

Tài liệu tham khảo

[1].    Phạm Đức Nguyên, “Bàn về phương pháp thiết kế Kiến trúc xanh tại Việt Nam”, Tạp chí kiến trúc 07 – 2016, Hà Nội, 2016.

[2].    https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/phat-trien-ben-vung/kien-truc-ben-vung-cong-trinh-xanh-va-kien-truc-xanh-viet-nam.html.

[3].    http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/cong-nghe/su-khac-biet-giua-xanh-va-ben-vung.html.

[4]     https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/phat-trien-ben-vung/kien-truc-sinh-thai-kien-truc-phat-trien-ben-vung.html

[5].    Các hình ảnh đồ án sinh viên tham gia cuộc thi SPEC GO GREEN từ trang web kienviet.net.

[6].    Đồ án kiến trúc sinh viên trường Đại học Xây dựng Miền Tây.

[7].    Kienviet.net.

[8].    https://www.archdaily.com/632903/lycs-architecture-to-break-ground-on-zhejiang-printing-group-headquarters-in-china.

[9].    https://www.pinterest.com/pin/556898310152308069/?lp=true.

[10]. https://www.archdaily.com/8649/sky-village-in-rodovre-mvrdv.

[11].  https://www.skyscrapercity.com/showthread.php?t=2041829&page=6.

CÁC TIN KHÁC