GIỜ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
 
Từ Thứ 2 đến Thứ 6:

Sáng:
7 giờ đến 11 giờ

Chiều:
13 giờ đến 17 giờ




Liên kết website :
Số người truy cập: 1.491.772
Đang online: 71
[ Đăng ngày: 03/01/2019 ]

ROBERT VENTURI VÀ NGÔN NGỮ CỦA KIẾN TRÚC 

HẬU HIỆN ĐẠI

Ths. KTS. Ngô Hồng Năng

Tóm tắt: Bài viết sau đây trình bày quan điểm thiết kế của Robert Venturi, một nhà lý luận nổi bật của trào lưu Hậu hiện đại, thông qua các cuốn sách ông viết và những công trình ông thiết kế. Một quan điểm nổi bật của ông đó là phê phán sự nghèo nàn của Kiến trúc Hiện đại trong việc trang trí, làm đẹp công trình. Ông coi trọng sự nhập nhằng, đa nghĩa trong kiến trúc, đôi khi có một chút mỉa mai...

Từ khóa: Robert Venturi, Kiến trúc Hậu hiện đại.

Abstract: The following article presents the design ideas of Robert Venturi, a prominent postmodernist theorist, through the books he wrote and the buildings he designed. One of his noteworthy points is the critique of the poverty of Modern Architecture in the decoration of the building. He appreciates ambiguous and multi-mean in architecture, sometimes with some ironics...

Key words: Robert Venturi, Post modern Architecture.

Đặt vấn đề: 

Kiến trúc Hậu hiện đại là một phong cách nổi lên trong những năm 1960 như là một phản ứng chống lại sự khắc khổ và thiếu đa dạng của Kiến trúc Hiện đại. Học thuyết này do Robert Venturi đưa ra trong cuốn sách “Sự phức tạp và mâu thuẫn trong kiến trúc” vào năm 1966. Phong cách này phát triển mạnh mẽ vào những năm 1980 và 1990, đặc biệt trong các công trình của Robert Venturi, Philip Johnson, Charles Moore và Michael Graves. Trong cuối những năm 1990 phong cách này được chia thành nhiều các xu hướng mới, bao gồm cả High-tech, Tân Cổ điển và Deconstruction.

Robert Venturi, sinh năm 1925, là một nhà lý luận nổi bật của trào lưu Hậu hiện đại và là một kiến trúc sư thiết kế nhằm minh họa ý tưởng của mình. Những công trình đầu tiên của ông là Guild House và Vanna Venturi House, ở Philadelphia. Hai công trình trên được thiết kế dựa trên những yếu tố truyền thống, những ý tưởng và hình thức kiến trúc đương đại trong cuộc sống. Chúng được coi là một trong những biểu hiện sớm nhất của Kiến trúc Hậu hiện đại và giúp Venturi trở thành một trong những kiến trúc sư hàng đầu của thế kỷ 20. Sau đây là những phân tích các cuốn sách cũng như các công trình trên như là đặc điểm chính của kiến trúc Hậu hiện đại.

Nội dung chính:

Cuốn sách “Sự phức tạp và mâu thuẫn trong kiến trúc”:

Trong cuốn sách “Sự phức tạp và mâu thuẫn trong kiến trúc”, Venturi nói: "Tôi nói về một kiến trúc phức tạp và mâu thuẫn dựa trên sự phong phú và mơ hồ... Tôi hoan nghênh những vấn đề và khai thác những điều không chắc chắn... Tôi thích những yếu tố “lai” hơn là "tinh khiết", “thỏa hiệp” hơn là "sạch sẽ"... “hợp lại ” hơn là “loại trừ”... Tôi dành cho sức sống lộn xộn trên sự thống nhất rõ ràng... Tôi thích "cả hai" hơn "hoặc là", đen và trắng, và đôi khi màu xám, hơn là đen hoặc trắng... Một cấu trúc phức tạp và mâu thuẫn thể hiện sự thống nhất một cách khó khăn của sự hòa nhập chứ không phải là sự thống nhất một cách dễ dàng của sự loại trừ..." Venturi đề xuất nhấn mạnh mặt tiền, kết hợp yếu tố truyền thống, sử dụng tinh tế vật liệu một cách khác thường, sử dụng phân vị và mô-đun để làm cho tòa nhà trở nên thú vị hơn.
 

Cuốn sách “Học từ Las Vegas” và quan điểm thiết kế của Robert Venturi

Trong cuốn sách thứ hai (1972), ông phát triển thêm lập luận chống lại Chủ nghĩa Hiện đại. Ông kêu gọi xem xét và ca ngợi kiến trúc đương đại, chứ không nên áp đặt những điều không tưởng của mình vào kiến trúc. Ông cho rằng các yếu tố trang trí "đáp ứng nhu cầu hiện tại cho sự đa dạng và truyền thông", là phương tiện để mở ra cho người đọc những suy nghĩ mới về các tòa nhà, như rút ra từ toàn bộ lịch sử kiến trúc - cả phong cách bản địa, cả truyền thống lẫn hiện đại. Và đáp lại câu châm ngôn nổi tiếng của Mies van der Rohe, một trong những đại diện của Chủ nghĩa Hiện đại: "Less is more"  là câu "Less is a bore". ("Less is more" là một thành ngữ trong tiếng Anh, có nghĩa là đôi khi cái gì đó được sử dụng với số lượng ít thì đem lại nhiều lợi ích hơn khi dùng nhiều. Còn "Less is a bore" có nghĩa là “Ít hơn là một nỗi chán chường”). Ông cho rằng kiến trúc không nên được làm từ những khẩu hiệu và những khẩu hiệu này cũng không nên được coi là những lời kinh.

Guild House:

Cuốn sách “Học từ Las Vegas”, Venturi cũng giới thiệu về tòa nhà Guild House, ở Philadelphia, như là ví dụ về một phong cách mới chào đón nhiều yếu tố mới cũng như yếu tố truyền thống, mà không quay trở lại với các phong cách cũ. Guild House là một tòa nhà chung cư dành cho người cao tuổi có thu nhập thấp, ở Philadelphia, hoàn thành vào năm 1963, là một công trình quan trọng và có ảnh hưởng đến kiến trúc thế kỷ 20 và là công trình lớn đầu tiên của Robert Venturi.

Trong Guild House, ông sử dụng một sự kết hợp rất khó tả giữa kiến trúc thương mại và sự mỉa mai, nhại lại lịch sử. Guild House đại diện cho một sự từ chối có ý thức các lý tưởng của Kiến trúc Hiện đại, đã được đề cập rộng rãi trong sự phát triển tiếp theo của phong trào Hậu hiện đại. Kiến trúc của tòa nhà kết hợp các hình thức truyền thống với yếu tố thương mại trong thế kỷ 20 "tầm thường“. Ông sử dụng một thủ pháp mới để thấy công trình như giấu một "nhật ký tinh thần ranh mãnh" đằng sau "sự tầm thường rõ ràng" của nó. Ông sử dụng gạch đất sét nâu đỏ và những cửa sổ "thiếu sáng" để nhớ lại các dự án nhà ở công cộng hiện tại và thể hiện "mối quan hệ gần gũi với các cấu trúc bên trong thành phố", cùng với việc sử dụng tinh tế những chi tiết trang trí một cách mỉa mai" để diễn tả cuộc sống của người cao tuổi."

Guild House là một tòa nhà sáu tầng với mặt tiền đối xứng, theo kiểu cổ kính, được đặt theo trật tự cổ điển. Mặt tiền tầng trệt được làm nổi bật bởi một cột đá granit đen, tròn, lớn, được đánh bóng và đặt trên nền của bức tường được ốp bằng gạch men trắng. Trên tầng cuối cùng là một cửa sổ lớn cong. Bốn tầng ở giữa ốp gạch nâu đỏ, được phân bằng các hàng cửa sổ. Tất cả các yếu tố trên được làm như “cho có”, làm cho “có lệ". 

Theo Venturi, sự kết hợp của các yếu tố trên như "thiết lập một quy mô mới và tỉ lệ lớn hơn của ba phần ngôi nhà, chúng được đặt cạnh với tỉ lệ nhỏ hơn của sáu tầng ngôi nhà". Một bảng hiệu có khối chữ lớn trên lối vào ghi rõ tên của tòa nhà, trong khi trên mái nhà là một ăng ten truyền hình quá khổ mà không có chức năng phục vụ. Chúng như là một yếu tố điêu khắc trừu tượng và đại diện cho hình thức giải trí chính của người dân.  
 
 

Venturi sau đó giải thích kiến trúc của Guild House dưới góc độ triết học: “Trong Guild House, các yếu tố trang trí có tính trừu tượng... Cái mặt đứng phẳng lì, xấu xí và tầm thường… thì đó cũng là biểu tượng. Biểu tượng của trang trí là xấu xí nhưng chúng sẽ bình thường trở lại với một chút mỉa mai.”  Vanna Venturi House:

Vanna Venturi House, một trong những tác phẩm nổi bật đầu tiên của Robert Venturi, nằm trong khu phố Chestnut Hill ở Philadelphia. Nó được thiết kế cho mẹ của Venturi, với rất nhiều phương án. Điều này cho thấy phương án cuối cùng chứa đựng nhiều triết lý, ngôn ngữ kiến trúc mới và được xây dựng từ năm 1962 -1964. Cho đến đỉnh ống khói, ngôi nhà chỉ cao khoảng 9m, nhưng có một mặt tiền mặt khổng lồ… Hiệu ứng này đạt được bằng cách cố ý sắp xếp các yếu tố kiến trúc để thấy quy mô to lớn của ngôi nhà, chẳng hạn như: một cái vòm “không có cấu trúc”, "những cái lỗ trên tường’’ và các yếu tố khác nữa…

Nhà sử học kiến trúc Vincent Scully gọi đây là "tòa nhà nhỏ lớn nhất trong giai đoạn nửa sau thế kỷ XX’’. Nhìn từ mặt bên hay mặt sau, người ta thấy đây là một ngôi nhà nhỏ. Nhưng nhìn từ trước, thì lại thấy một ngôi nhà rất lớn. Điều bất thường ở đây là đầu hồi được đặt ở mặt trước, cạnh dài của mặt bằng hình chữ nhật, và mặt sau không có đầu hồi như vậy. Ống khói được nhấn mạnh ở giữa, phía trước. Hiệu quả là người ta thấy có một sự phóng đại quy mô của căn nhà nhỏ, làm mặt tiền dường như rất hoành tráng. Hiệu ứng về quy mô này không được áp dụng cho hai bên và phía sau của ngôi nhà, do đó người ta thấy sự xuất hiện quy mô lớn và nhỏ từ các góc độ khác nhau.  

Mô tả của ngôi nhà được đưa vào cuốn sách và ngôi nhà được xem là hiện thân của những ý tưởng chính của cuốn sách. Ông nói: ”Kiến trúc sư không còn đủ khả năng để bị đe dọa bởi ngôn ngữ đạo đức thanh nhã của Kiến trúc Hiện đại chính thống. Tôi thích những yếu tố "lai" hơn là "tinh khiết," "thỏa hiệp" hơn là "rõ ràng", "méo mó" chứ không phải là "đơn giản"... Tôi để cho sức sống lộn xộn qua sự thống nhất rõ ràng…’’

Nhiều người cho rằng các yếu tố sau đây của ngôi nhà là một phản ứng chống lại chuẩn mực của Kiến trúc Hiện đại: 

  • Các mái dốc so với mái bằng; 
  • Sự tập trung nhấn mạnh vào hính dáng lò sưởi và ống khói "thiết lập vững chắc trên mặt đất" chứ không phải là sự tập trung vào hệ thống cột của kiến trúc hiện đại; 
  • Các bức tường kính mở ra ở tầng trệt;
  • Trán tường bị đục thủng hoặc đầu hồi gắn một vòm “phi cấu trúc”…

Ngôi nhà được xây dựng với những mâu thuẫn kiến trúc, lịch sử và thẩm mỹ chính thức có chủ ý. Venturi đã so sánh mặt tiền phía trước mang tính biểu tượng như một "bản vẽ của trẻ em". Tuy nhiên, ông cũng đã viết, "Tòa nhà này công nhận sự phức tạp và mâu thuẫn: nó bao gồm cả hai thứ: phức tạp đơn giản, mở đóng, lớn nhỏ, tốt xấu…

 

Kết luận:

Như vậy, các yếu tố được phân tích trên hoàn toàn là một lời từ chối cho Chủ nghĩa Hiện đại và chúng phản ánh sự trở lại của kiến trúc truyền thống Mannerist (Kiến trúc sử dụng các hình thức để nhấn mạnh mối quan hệ vững chắc của không gian, sự hài hòa tuyệt đối nhường chỗ cho nhịp điệu tự do và sáng tạo hơn. Kiến trúc sư nổi tiếng gắn liền với phong cách này là Michelangelo). Vanna Venturi House là một đột phá, được thiết kế để phá vỡ và làm mâu thuẫn với tính thẩm mỹ của Kiến trúc Hiện đại.  
Tài liệu tham khảo:

TIẾNG VIỆT

Trịnh Duy Anh (2015), Một số vấn đề về mỹ học và nghệ thuật kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc TpHCM, TpHCM.  

Đặng Thái Hoàng (2006), Giáo trình lịch sử kiến trúc thế giới, Xây dựng, Hà Nội.

Lê Thanh Sơn (2008), Một số xu hướng kiến trúc đương đại nước ngoai, Xây dựng, Hà Nội.

Charles Jencks, Phan Việt Thuỷ dịch (2017, 3 5), Chủ nghĩa Hậu hiện đại là gì? đươc ̣ truy luc ̣ từ http://www.vanhoahoc.vn: http://www.vanhoahoc.vn/nghiencuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-cac-truong-phai-trao-luu/1899-charles-jencks-chunghia-hau-hien-dai-la-gi.html.

TIẾNG ANH

Arthur Allen (1981), The language of architecture, The Canadian Architect, Architect, July 1981, Vol 26, No 1, Canada.

Charlse A. Jencks (1977), “Post-Modern Architecture" From the Language of Post-Modern Architecture, London: Academy Editions; New York: Rizzoli.

Charles Jencks (1987), Postmodern and Late Modern: The Essential Definitions, Chicago Review, Chicago.

Iheb Guermazi (2014), An Archeology of Postmoden Architecture:  A Reading of Charles Jencks' Work, University of Washington, Washington.

Preservation Alliance (2007), How to Nominate an Individual Building, Structure, Site or Object to the Philadelphia Register of Historic Places, Philadelphia.

Robert Venturi (2002), Complexity and Contradition in Architecture, The Museum of Modern Art, New York. 
CÁC TIN KHÁC