GIỜ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
 
Từ Thứ 2 đến Thứ 6:

Sáng:
7 giờ đến 11 giờ

Chiều:
13 giờ đến 17 giờ




Liên kết website :
Số người truy cập: 1.491.780
Đang online: 77
[ Đăng ngày: 13/05/2020 ]

NHỮNG GIÁ TRỊ VỀ THÔNG GIÓ TỰ NHIÊN VÀ VI KHÍ HẬU TRONG NHÀ Ở NÔNG THÔN TRUYỀN THỐNG KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

VALUES ON NATURAL VENTILATION AND MICROCLIMATE IN COMMERCIAL RURAL RESIDENCE AREA OF THE MEKONG DELTA

THS. KTS TRƯƠNG VĂN MINH RIÊNG

Khoa Kiến trúc – Trường ĐH Xây dựng Miền Tây

Số điện thoại: 0919264969 - Email: truongvanminhrieng@mtu.edu.vn

Tóm tắt:

Sự gia tăng dân số cùng với quá trình đô thị hóa cùng với quá trình xây dựng và thiết kế thiếu sự nghiên cứu sâu sắc về các giải pháp thông gió tự nhiên trong nhà ở nông thôn. Song song đó sự áp dụng các loại vật liệu mới vào xây dựng nhà ở một cách máy móc, đã phần nào làm mai một những giá trị cốt lõi trong giải pháp thông gió tự nhiên cũng như đảm bảo vi khí hậu tiện nghi trong nhà ở nông thôn ngày nay. Bài viết này theo hướng nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích những giá trị về thông gió tự nhiên trong nhà ở nông thôn cần được giữ gìn và khuyến khích áp dụng lâu dài nhằm mang lại lợi ích tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững với môi trường. Đáp ứng trào lưu kiến trúc bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Nhà ở nông thôn, thông gió tự nhiên

Abstract:

The population increase along with the urbanization process along with the construction and design process lacks in-depth research on natural ventilation solutions in rural houses. At the same time, the application of new materials to build houses in a mechanical way, has partly reduced the core values ​​in natural ventilation solutions as well as ensured comfortable microclimate in the home. in the countryside today. This article is in the direction of studying, understanding and analyzing the values ​​of natural ventilation in rural houses that need to be conserved and encouraged long-term application to bring about energy saving and sustainable development benefits, strong, sustainable environment. Meet sustainable architecture trends in the current period.

Keywords: country house, natural ventilation


1. Đặt vấn đề

Những giá trị thông gió tự nhiên trong nhà ở nông thôn không phải là vấn đề mới, điều đáng nói ở đây là những giá trị đáng qúy này đã được ông bà ta đúc kết ra trong quá trình xây dựng căn nhà ở của chính mình nhằm thích nghi với môi trường sống xung quanh cách đây hàng thế kỷ. Tuy nhiên ngày nay cùng với sự gia tăng dân số và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa là việc xây dựng nhà ở mới ở khu vực nông thôn ngày càng phát triển về số lượng. Song việc xây dựng lại do người dân ở nông thôn tự làm hoặc là do những nhà thầu xây dựng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn thực hiện. Quá trình xây dựng ồ ạt và chưa có sự nghiên cứu sâu sắc về các vấn đề chuyên môn trong ngành thiết kế nhà ở. Vì vậy không thể tránh khỏi sự sao chép và rập khuôn trong hình thức kiến trúc cũng như chưa đảm bảo chuyên sâu về vấn đề thông gió và vi khí hậu trong nhà ở. Chính vì vậy việc xây dựng nhà ở nông thôn ngày nay đã dần mất đi những giá trị về thông gió và vi khí hậu trong nhà, những giá trị mà ông bà ta đúc kết ra trong quá trình sinh sống và phát triển hài hòa với môi trường. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận lại các giá trị ấy và trân trọng những kinh nghiệm mà ông bà ta đã để lại. Từ đây có thể áp dụng vào thiết kế và cải biến sao cho phù hợp với nhu cầu của nhà ở ngày nay mà vẫn không mất đi những kinh nghiệm quý giá đó.

2. Phân tích và đánh giá các giá trị trong nhà ở nông thôn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Hiện trạng nhà ở nông thôn ngày nay cho thấy rằng người càng nghèo thì lại càng nương tựa vào thiên nhiên để sinh tồn phát triển, ngược lại khi khoa học kỹ thuật ngày càng cao kết hợp với có điều kiện về kinh tế thì con người bắt đầu chinh phục và ngày càng rời xa thiên nhiên (hình 1).


Nhà ở nông thôn nước ta trong giai đoạn trước 1975, do đời sống người dân còn khó khăn và kinh tế chưa phát triển. Các loại vật liệu xây dựng khan hiếm và đắt đỏ. Nhà ở nông thôn thời bấy giờ đa số vẫn dùng các loại vật liệu có sẵn tại địa phương. Hệ khung chính làm bằng gỗ, vách và vỏ bao che bên ngoài là dùng lá dừa nước, mái sử dụng lá trầm. với những vật liệu đơn giản dễ tìm, rẽ tiền mà lại đáp ứng được nhu cầu ở, đáp ứng được mức độ tiện nghi nhiệt cao, không sử dụng điều hòa, không quạt máy (hình 1 a).

Nhà ở thời điểm đó đạt được mức độ tiện nghi nhiệt tốt là do khả năng cách nhiệt tuyệt vời của loại vật liệu lợp mái và vỏ bao che căn nhà đồng thời kết hợp với giải pháp ngăn chia không gian hở bên trong. Khả năng cách nhiệt của vật liệu đã ngăn nhiệt không truyền được vào không gian bên trong nhà, và giải pháp ngăn chia không gian hở làm cho không khí trong và ngoài nhà lúc nào cũng được lưu thông dễ dàng.

Nhà ở nông thôn tận dụng triệt để mặt tiền nhà trong việc đón gió vào nhà với các chi tiết như: Cửa chính rộng, cửa sổ hai bên kết hợp với hàng lam bên trên. Mái hiên là nơi che mưa, nắng hắt vào nhà, đồng thời có chức năng làm dịu mát không khí và chuyển đổi không gian giữa trong và ngoài nhà (hình 3).

Sự chuyển đổi vật liệu làm vỏ bao che từ vật liệu truyền thống sang một số loại vật liệu phổ biến ngày nay như: Gạch nung, kính, tole,… có khả năng ngăn nhiệt kém hơn so với vật liệu truyền thống. Kết hợp với quá trình người dân nông thôn tự làm nhà và thiếu sự am hiểu về tính năng vật liệu và giải pháp lưu thông không khí trong nhà. Do đó trong quá trình tự xây dựng người dân bỏ qua một số chi tiết như lam gió phía trên cửa, sử dụng vật liệu kín làm cửa đi và cửa sổ ngăn lưu thông không khí trong và ngoài nhà, các vách ngăn phòng bên trong không có lam gió ở phần trên cao của vách ngăn, trong quá trình sử dụng lại thường hay đóng kín cửa, tổ chức không gian bên trong nhà không đón được gió và thoát gió tự nhiên. Từ những yếu tố đó dẫn đến sau khi xây dựng được căn nhà khang trang hơn trước nhưng lại vướn nhiều bất cập như: không thông thoáng, ẩm, nóng hơn căn nhà đơn sơ ngày trước. Sau khi có được căn nhà bằng vật liệu mới khang trang hơn trước người dân dường như không quan tâm và không hiểu được lý do vì sao không khí trong nhà trở nên nóng và ngột ngạt hơn và họ tìm đến giải pháp là sử dụng điều hòa cho các phòng kín. Đối với một số nhà khác thì vẫn có lam thông gió ở phần tường trên cao nhưng thường hay đóng kín các cửa đi và cửa sổ nên không khí trong và ngoài nhà vẫn không lưu thông được và không tạo được áp lực gió nên nhà vẫn nóng, sau đó người dân lại tìm cách bít kín các lam thông gió lại và tìm đến giải pháp sử dụng máy điều hòa cho các phòng kín.

Trong việc chọn hướng nhà thì ông bà ta cũng chọn hướng có nhiều gió thổi đến (đầu hướng gió áp lực dương) làm lối vào chính của căn nhà và các gian phụ nhà phụ bố trí sau nhà chính hoặc cặp một bên nhà chính. Phía sau nhà phụ có cửa ra sau nhà và nhỏ hơn cửa chính (cuối hướng gió áp lực âm) (hình 2). Lý giải trong phong thủy thì điều này có ý nghĩa là tiền và của cải vào nhiều nhưng lại ra ít. Nhưng việc tổ chức cửa vào lớn và cửa ra sau hè phụ nhỏ tạo thành một bẫy gió xuyên qua nhà. Với lượng gió vào nhà lớn nhưng lại thoát ra ở cửa phụ có diện tích nhỏ hơn làm cho gió đi qua phần cửa nhỏ này nhanh hơn. Chính vì vậy cửa phụ sẽ thành nơi hút gió và thoát gió ra khỏi nhà nhanh nhất, làm cho trong nhà luôn có một luồng không khí di chuyển từ trước ra sau liên tục. Không khí trong nhà cũng nhờ vậy mà được lưu thông và thoáng mát hơn [4].

Trong giải pháp ngăn chia không gian bên trong nhà ở nông thôn trước đây cũng sử dụng giải pháp không gian hoàn toàn hở. Các vách ngăn bên trong chỉ cao quá đầu và chỉ có tác dụng che chắn tầm nhìn. Phần trên lên tới mái nhà là hoàn toàn bỏ trống, không có không gian nào là hoàn toàn kín,  kết hợp với các khoản lam phía trên cửa chính vào nhà làm cho không khí trong và ngoài nhà lưu thông một cách dễ dàng(hình 2).

3. Những giá trị cần phát huy áp dụng trong thiết kế nhà ở nông thôn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

3.1    Giải pháp thông gió tự nhiên

Thông gió tự nhiên, hay còn gọi là hệ thống thông gió thụ động, nghiên cứu áp dụng sự chuyển động của luồng không khí bên ngoài nhà và chênh lệch áp suất giữa các luồng không khí nhằm làm mát và đảm bảo thông thoáng cho ngôi nhà.

Thông gió tự nhiên rất quan trọng, nó có thể giúp đảm bảo cung cấp không khí trong lành cho ngôi nhà mà không dùng các thiết bị quạt. Đối với các vùng khí hậu nóng và ấm áp, nó có thể đáp ứng được nhu cầu làm mát của công trình mà không phải dùng đến các hệ thống điều hòa nhiệt độ. Lượng năng lượng tiết kiệm được từ hệ thống này có thể đóng một phần rất lớn vào tổng năng lượng tiêu thụ của căn nhà[1].

Điều kiện để việc thông gió tự nhiên có thành công hay không được quyết định bởi mức độ tiện nghi nhiệt cao và có đủ không khí trong lành cho các không gian trong công trình nhà ở. Trong khi tiêu thụ rất ít hoặc không không tiêu thụ năng lượng cho hệ thống thông gió và điều hòa nhiệt độ cơ khí [2].

Bảng 1  tổng kết phân tích sinh khí hậu các đô thị ven biển Việt Nam theo số liệu nhiệt – ẩm từng giờ trong 20 năm (1981- 2000). Con số ghi trong bảng là số giờ / năm (theo %) xuất hiện các dạng thời tiết khác nhau. Ở miền khí hậu phía Bắc Việt Nam, thời tiết tiện nghi thường xuất hiện dưới 50% số giờ / năm. Qua đèo Hải Vân về phía Nam, thời tiết tiện nghi xuất hiện trên 80% số giờ / năm, thậm chí tại Nha Trang tới 99% số giờ / năm. Bảng 1 cho thấy các đô thị gần biển phía Nam đều có điều kiện thời tiết tự nhiên về tiện nghi nhiệt rất cao [4].


Theo bảng 1 thì khí hậu thời tiết vùng Tây Nam Bộ có mức độ tiện nghi nhiệt quanh năm, chiếm đến 99% số giờ trong năm. Do đó nhà ở vùng Tây Nam Bộ là có khả năng sử dụng giải pháp thiết kế thông gió tự nhiên làm chủ đạo.

Để tổ chức thông gió trong nhà thành công cũng do một phần từ việc tổ chức thông gió ngoài nhà quyết định và đi trước việc tổ chức thông gió bên trong nhà. Tổ chức hướng chính nhà ở hướng đón được nhiều gió nhằm tạo áp lực gió phía trước nhà và sau nhà. Nhà ở nông thôn truyền thống đã tận dụng triệt để điều này để đón được nguồn gió tự nhiên vào nhà, cùng với những kinh nghiệm được truyền lại qua nhiều thế hệ đã làm nên một căn nhà là hoàn toàn hòa mình với tự nhiên.

3.2    Ngăn chia không gian

Việc ngăn chia không gian chia thành hai không gian chính:

- Không gian mở: phòng khách kết hợp thờ, bếp ăn, không gian sinh hoạt chung trong gia đình. Vỏ bao che của phần không gian mở này phải đảm bảo đón gió và thoát gió tốt, xem các cửa đi là nơi đón gió và thoát gió kết hợp với lam hoặc bông gió trên cao để lưu thông không khí. Không gian thờ cúng kết hợp nơi tiếp khách là không gian mở và chiếm diện tích phần lớn trên tổng diện tích nhà và ở vị thế chính diện trung tâm nhà. Do đó tổ chức đón gió ở phần không gian chính này là chủ yếu (hình 2, hình 3).

- Không gian kín: chủ yếu là các buồng ngủ có cửa sổ ở nơi có hướng gió tốt, pano cửa sử dụng giải pháp cửa lá sách để đảm bảo không khí luôn luôn lưu thông xuyên phòng. Các vách ngăn chia tiếp giáp bên trong nhà có hệ thống lam phía trên cao để lưu thông không khí từ bên ngoài vào bên trong nhà.


Lưu thông không khí trong nhà sở dĩ là do có gió vào và gió ra, nếu như đóng kín các cửa đi, cửa sổ và vỏ bao che cũng kín thì không khí trong nhà là gần như không chuyển động và đứng im tại chổ. Cảm giác bên trong nhà lúc này sẽ rất ngột ngạt và thiếu nguồn không khí mới. Như vậy việc ngăn chia các không gian trên mặt bằng trong nhà ở nông thôn truyền thống đã tổ chức được việc đón gió nhiều nhất ở phần không gian mở và tạo được bẫy gió trong việc bố trí cửa thoát gió có diện tích mở nhỏ hơn cửa chính. Không khí bên trong nhà lúc này luôn luôn chuyển động lưu loát từ trước ra sau nhà làm cho căn nhà luôn được cung cấp đầy đủ dưỡng khí và người sử dụng cảm thấy dễ chịu hơn.

3.3    Lớp vỏ công trình

Lớp vỏ công trình mặc dù được làm bằng vật liệu địa phương là lá dừa, tranh, cỏ,… nhưng mang lại hiệu quả cách nhiệt rất cao. Xét về cấu tạo vật liệu cho thấy lá trầm lợp mái cũng như vách bao che bên ngoài được bện rất nhiều lớp và có nhiều lớp không khí đệm làm cho loại vật liệu này có khả năng cách nhiệt vô cùng tốt.

Vỏ bao che ở các vị trí có mái hiên che nắng thì phần trên cao sử dụng các hệ khung bảo vệ, lam gió, bông hoa chạm khắc làm không khí trong ngoài nhà lưu thông dễ dàng.



Vỏ bao che ở nơi có hướng gió vào nhiều thì được chăm chút đón gió và cải tạo luồng gió sao cho gió vào nhà được nhiều nhất (hình 3). Có thể nói lớp vỏ bao che của nhà ở nông thôn truyền thống là một lớp vỏ có thể thở được. Sự trao đổi không khí trong và ngoài nhà là liên tục và không ngừng nghỉ.

4. Kiến nghị

Hình thức kiến trúc nhà ở nông thôn là một tổng hòa với tự nhiên, cần được gìn giữ và phát huy. Hình thức nhà ở nông thôn không lai tạp với bất kỳ hình thức kiến trúc nhà ở nào trên thế giới. Nó cần được xem như là một phần của bản sắc trong văn hóa nhà ở nước ta.

Các giải pháp thông gió cũng phải được kế thừa phát huy hiệu quả. Đặt biệt với tính năng vật liệu xây dựng mới hiện nay, các căn nhà gần như là một cái hộp khép kín hoàn toàn thì càng phải nghiên cứu chuyên sâu hơn trong việc thiết kế thông gió và lưu thông không khí trong nhà.

Chấp nhận thông gió tự nhiên và lưu thông không khí trong toàn nhà tức là chấp nhận một số yếu tố không thuận lợi của giải pháp này như là: bụi, côn trùng nhỏ, vệ sinh lau dọn nhà hằng ngày. Những vấn đề bất cập là không lớn và ảnh hưởng ít đến những giá trị cần đạt được trong nhà ở nên chúng ta cần chấp nhận. Mặc khác nó đem lại một thói quen trong nếp sinh hoạt của người dân nông thôn. Như thói quen lau dọn nhà cửa, dọn dẹp giặt giũ chăn màng khi có lễ, tết, làm cho không khí nông thôn trở nên nhộn nhịp vào ngày lễ tết…đó cũng được xem là một phần văn hóa đặc trưng trong nếp sống người dân nông thôn.

Đây là những giá trị đã được truyền lại qua lại nhiều thế hệ, là một phần bản sắc văn hóa nhà ở nông thôn khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long cần được kế thừa và phát triển. Không cần phải chạy theo những hình thức nhà ở mới do quá trình hiện đại hóa tác động mà dần mất đi bản sắc và những giá trị không cần tốn kém về kinh tế do nhà ở nông thôn truyền thống mang lại. Các giá trị quý giá trong nhà ở nông thôn truyền thống cũng cần được tuyên truyền và giải thích để người dân nông thôn hiểu và áp dụng rộng rãi. Từ đó mới có thể phát huy và nâng tầm một nền kiến trúc nhà ở nông thôn mà từ lâu các thế hệ đi trước đã đúc kết để lại.

Tài liệu tham khảo:

 [1] KTS. Tạ Trường Xuân (2009), Nguyên lý thiết kế kiến trúc, Nxb Xây dựng, Hà Nội.

[2] Terry S. Boutet, (KTS. Hà Nhật Tân biên dịch theo bản tiếng Anh), Thông gió tự nhiên trong nhà ở, Nxb Văn hóa Thông tin.

[3]  https://angcovat.vn/tin-tuc/1685-kham-pha-cac-kieu-kien-truc-nha-o-mien-tay-nam-bo-dac-trung-nhat-tin308088.html

[4]  https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/phat-trien-ben-vung/thong-gio-don-khong-khi-tu-nhien-co-kiem-soat-de-xuat-moi-trong-thiet-ke-theo-dinh-huong-mo-don-tu-nhien.html

 [5]  https://kienviet.net/2013/08/26/nha-o-dong-bang-song-cuu-long/
CÁC TIN KHÁC