GIỜ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
 
Từ Thứ 2 đến Thứ 6:

Sáng:
7 giờ đến 11 giờ

Chiều:
13 giờ đến 17 giờ




Liên kết website :
Số người truy cập: 1.334.096
Đang online: 86
[ Đăng ngày: 11/05/2020 ]

ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC TỊNH XÁ TẠI VĨNH LONG

THE CHARACTERISTICS OF VIHARA ARCHITECHTURE IN VINH LONG PROVINCE

 

THS.KTS.NGUYỄN TIẾN ĐẠT

Khoa Kiến trúc, Trường ĐHXD Miền Tây

Điện thoại: 0916801335

Email: nguyentiendat@mtu.edu.vn

 

   Tóm tắt:

   Phật giáo (PG) ở Vĩnh Long hiện có 205 cơ sở thờ tự với ba hệ phái là Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ. Trong đó, Khất sĩ là một hệ phái PG mới, mang nhiều đặc trưng của văn hóa kiến trúc Phật. Kết quả nghiên cứu hy vọng rằng sẽ là cơ sở cho việc định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc tại Vĩnh Long. Theo báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2017, Vĩnh Long đã có 20 ngôi Tịnh xá của hệ phái Khất sĩ. Bài báo khoa học này được thực hiện nhằm hệ thống lại những đặc điểm của kiến trúc Tịnh xá tại Vĩnh Long. Mỗi công trình điển hình của từng Giáo đoàn được chọn ra để phân tích về hình thức kiến trúc. Từ đó, hệ thống những đặc điểm tiêu biểu được nhận diện và làm cơ sở để đánh giá kiến trúc Tịnh xá tại Vĩnh Long.

   Từ khóa: Kiến trúc Tịnh xá, Hệ phái Khất sĩ.

   Abstract:

  Vinh Long province has 205 religious places with three sects are Nam Tong, Bac Tong, Khat Si. Khat si is a new Buddhist sect, bearing features of religious architecture. The results of the research will hope to the foundation for conserving orientation and developing culture and architecture values in Vinh Long province. According to the summary report of Buddhist work in 2017, Vinh Long province had already had 20 viharas of Khat si sect. The scientific article was conducted to systematize features and to define the value of Vihara architecture in Vinh Long. A particular structure of each congregation was selected to analyze the architecture form. Consequently, a system of specific features is determined, which is used as a basis to evaluate the characteristics of Vihara architecture.

   Keyword: Vihara Achitechture, Khat si sect.

1. Đặt vấn đề

   Hệ phái Khất sĩ (HPKS) mang nét riêng biệt và độc đáo của PG Việt Nam nói chung và PG Nam Bộ nói riêng, do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vào năm 1944 với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. HPKS ra đời trong bối cảnh xã hội đã xuất hiện nhiều hệ phái PG khác. Tuy được ra đời muộn hơn so với các hệ nhưng HPKS đã và đang phát triển rất mạnh, tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Bộ, một số tỉnh ở miền Trung và một số quốc gia khác như Hoa Kỳ hay Úc. Mỗi hệ phái PG đều có hình thức kiến trúc riêng biệt. Bên cạnh đặc trưng của hệ phái Bắc tông và Nam tông là kiến trúc Chùa thì HPKS có kiến trúc đặc trưng là Tịnh xá.

   Tính đến đầu năm 2017, HPKS có 4.984 vị Tăng và Ni đang tu học tại 541 Tịnh xá trong nước và trên 50 Tịnh xá được thành lập ở nước ngoài [3]. Tuy nhiên, kiến trúc Tịnh xá hầu như chưa được nghiên cứu sâu và chưa có hệ thống nhất định ngoài một số giới thiệu khái quát, chủ yếu là của học giả và Tu sĩ như “Bộ kinh Chơn lý” do Tổ sư Minh Đăng Quang viết trong quá trình 7 năm hoằng pháp được xuất bản năm 1952 [2].

   Năm 2014, quyển sách “100 ngôi Tịnh xá tiêu biểu” được ra đời nhân dịp đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng [1]. Tập sách nhỏ này là một nỗ lực khởi đầu của một công trình lâu dài là thống kê, tập hợp, giới thiệu lịch sử của tất cả các Tịnh xá trên cả nước. Thật vậy, cuốn sách còn giúp cho người đọc tìm hiểu thêm về nguồn gốc hình thành các giáo đoàn, kèm theo là hình ảnh tổng thể và một số ảnh sinh hoạt của từng ngôi Tịnh xá. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng đây là một nỗ lực rất lớn trong việc thống kê những ngôi Tịnh Xá tiêu biểu của HT.Thích Giác Toàn cùng một số Thượng tọa khác, nhưng những đặc điểm và giá trị kiến trúc Tịnh xá vẫn chưa được phân tích và làm rõ.

   Trong giới hạn của bài báo này, đặc điểm kiến trúc Tịnh xá sẽ được hệ thống hóa và làm rõ những giá trị trên phạm vi toàn tỉnh VL dựa trên việc phân tích 3 giáo đoàn chính, bao gồm giáo đoàn 1, giáo đoàn 5 và giáo đoàn Ni Khất sĩ.

2. Tổng quan về kiến trúc Tịnh xá của hệ phái Khất sĩ tại Vĩnh Long

   Tổ sư Đăng Minh Quang, sinh tại huyện Tam Bình tỉnh VL, ra đi và tu học 2 giáo lý đại thừa và tiểu thừa của Campuchia và Việt Nam vào năm 1944. Đến năm 1946, Người trở về Việt Nam, đến đầu gành Mũi Nai, Hà Tiên an trú thiền định 7 ngày đêm và ngộ được chơn lý. Năm 1948, Tổ sư và đoàn du tăng dừng chân tại VL và xây dựng Tịnh xá đầu tiên tại phường 1, đặt hiệu là Pháp Vân, làm nơi dạy đạo. Được sự phát tâm của Phật tử, 1 ngôi đạo tràng được xây dựng tại phường 2, lấy hiệu là Trúc Viên, sau đó đổi thành Tịnh xá Ngọc Thuận, đến cuối năm 1948 được giao lại cho Ni chúng tu học. Tịnh xá Ngọc Viên cũng được ra đời tại phường 2, được xem là ngôi Tổ đình của HPKS.

Bảng 1. Kết quả khảo sát kiến trúc Tịnh xá tại Vĩnh Long

   Theo thống kê năm 2017, tại tỉnh VL đã có 20 cơ sở HPKS. HPKS trên địa bàn tỉnh VL (Bảng 1) bao gồm 4 giáo đoàn (i) giáo đoàn 1; (ii) giáo đoàn 5; (iii) Ni giới giáo đoàn 1; (iv) Ni giới Khất Sĩ. Tuy nhiên, có sự tồn tại những ngôi Tịnh xá không thuộc giáo đoàn chính thống (giáo đoàn Tu tịnh).

3. Cơ sở hình thành kiến trúc Tịnh xá

   Theo nội dung quyển “Luật nghi” của Tăng già Khất sĩ đã ghi chép lại, mô hình Tịnh Xá do Tổ sư Minh Đăng Quang kiến tạo nên. Để xây dựng ngôi Tịnh xá, cần đáp ứng 2 yếu tố chính đó là (i) lựa chọn khu đất và (ii) thiết lập kiến trúc Tịnh xá [2].

   Khu đất phải rộng trên 100m, tránh xa chợ 1000m hoặc xa núi, xa nhà dân 100m, là nơi yên tĩnh để thiền định. Ngoài ra, cần tránh xa những công trình tôn giáo khác, không có thú dữ, không nên gần trục đường chính. Trong khu đất nên có hồ sen, núi đất, có ao rạch hoặc suối và cây cao bóng mát. Xây dựng hàng rào xung quanh khu đất cao 2m làm ranh.

   Kiến trúc cần có 3 hạng mục chính (nhà Tam bảo) gồm Chánh điện, Giảng đường và Trai đường. Phía trước khu đất, bên trái sẽ là nhà thiện Nam và bên phải là nhà tín Nữ. Phía sau khu đất, bên phải có cốc nghỉ cho Ni lưu trú và bên trái là cốc của Tăng. Ngoài ra, cần có nhà thờ riêng cho cư gia. Chánh điện phải vuông 8m hình bát giác, bên trong có tháp thờ pháp của chư Phật đặt giữa trung tâm và thờ duy nhất một tượng phật Thích Ca. Tháp thờ pháp có chiều cao 3m và bề ngang rộng vuông 1,8m. Mái tháp gồm 13 tầng và xung quanh tháp để trống 4 cửa. Giảng đường có góc vuông 16m, Trai đường có bề ngang 8m và dài 16m, nhà thờ riêng cho cư gia bề ngang 4m và dài 8m .

   Về triết lý PG trong kiến trúc Tịnh xá, Chánh điện hình bát giác tượng trưng cho Bát chánh đạo [4]. Nóc dưới của Chánh điện sẽ có 8 mái, phía trên cùng phần cổ lầu hình tứ giác tượng trưng cho Tứ diệu đế. Trong Chánh điện có 4 trụ cột lớn để chống đỡ hình bát giác, biểu trưng cho Tứ chúng (Hình 1). Một trong 4 trụ không làm tròn phận sự sẽ khiến cho Tăng đoàn không bền vững, đây là 1 đặc trưng trong kiến trúc Tịnh xá.


   Về kiến trúc tháp Phật, ngôi bảo tháp gồm 3 cấp biểu trưng cho Giới – Định – Tuệ. Trên cao an vị tượng đức Phật Thích Ca, xung quanh có 5 thẻ gỗ biểu trưng cho “Ngũ phần Pháp thân”. Trên cùng tháp làm bằng gỗ với 13 tầng tượng trưng cho 13 mức tiến hóa (Bảng 2).


4. Đặc điểm kiến trúc Tịnh xá giáo đoàn 1

   Tịnh xá Ngọc Viên là ngôi Tổ đình của HPKS, đại diện cho tất cả các Tịnh xá khác trong tỉnh VL. Ban đầu, Tịnh xá được xây dựng đơn sơ, hình chữ nhật với diện tích 400m2, tượng trưng cho Thuyền Bát Nhã. Ngôi Tịnh xá đã trải qua 3 lần trùng tu. Lần thứ 1, nó được xây mới vào năm 1971, theo mô hình bát giác do Tổ sư thiết lập trên vị trí khu đất có diện tích gần 3000m2. Lần thứ 2, nó được trùng tu và xây thêm hạng mục phụ vào năm 1993 với diện tích 7000m2. Lần thứ 3, năm 2017, nó được thay đổi vị trí và mở rộng một số hạng mục phụ (Hình 2). Trong bố cục tổng thể, có 2 khu rõ ràng. Khu nội bao gồm nhà truyền thống, nhà khách Tăng, nhà thờ chư Tổ, cốc Tăng và cốc Tổ Sư. Khu ngoại được cải tạo và sắp xếp lại gồm ngôi Chánh điện, Trai đường, Giảng đường, ngoài ra còn có các hạng mục phụ.


   Kiến trúc các ngôi Tịnh xá của giáo đoàn 1 có nhiều nét tương đồng với nhau, những đặc trưng này được thể rõ trong  hạng mục chính là Chánh điện, Giảng đường và Trai đường. Năm 1948, Chánh điện ban đầu chỉ là mô hình chữ nhật với kích thước 16m x 8m tượng trưng cho Thuyền Bát Nhã hoặc cho nhất thể trong đạo pháp ý nghĩa lấy Trí – Huệ làm “thuyền” đưa người đến bờ hạnh phúc. Không gian bên trong bao gồm thờ Phật, thờ Tổ và không gian thờ Cửu Huyền. Hiện Chánh điện này được gọi là “Tịnh xá truyền thống” đang được bảo tồn nhằm lưu trữ di sản sống của HPKS.

   Năm 1993, Chánh Điện được xây mới theo mô hình Bát giác tượng trưng cho Bát Chánh đạo. Ban đầu, Tịnh xá Ngọc Viên chỉ có 2 tầng mái tương ứng chiều dài mặt bằng 14m, do lượng Phật tử ngày càng đông nên đường kính mặt bằng lớn hơn so với kích thước mà Tổ sư đề ra. Đây là sự linh động trong trong thiết kế Tịnh xá. Do mở rộng diện tích hành lang xung quanh, hệ mái thứ 3 được hình thành (Hình 3). Sự xuất hiện của 4 ổ gió trên mái là nét đặc trưng riêng cho giáo đoàn 1. Trong Chánh điện hình bát giác, tháp thờ chư Phật được bố trí ở trung tâm Tứ trụ biểu tượng cho tứ chúng. Phía trên đỉnh tháp là mái chóp hình tứ giác tượng trưng cho Tứ diệu đế. Sau lưng tháp là không gian thờ Tổ, cửa mở ra 8 phía.

5. Đặc điểm kiến trúc Tịnh xá giáo đoàn 5

     Năm 1968, Tịnh xá Ngọc Hòa chỉ có 250m2 gồm ngôi Chánh điện với diện tích 24m2 và một vài am cốc nhỏ. Năm 1975, diện tích đất tăng lên 5.070m2, Chánh điện được trùng tu mở rộng và xây dựng thêm hạng mục phụ. Đến năm 2003, diện tích được nâng lên 10.000m2, 1 số hạng mục chính được xây mới (Hình 4)

Kiến trúc Tịnh xá này mang nhiều nét đặc trưng cho giai đoạn phát triển sau năm 2000. Qua đó, thấy rằng rõ có sự biến đổi về hình thái kiến trúc cũng như tên gọi chức năng làm phong phú thêm giá trị văn hóa vật thể. Những đặc trưng này được thể hiện rõ qua 2 chức năng chính là Pháp điện và Phật điện.

     Pháp điện (Pháp dương bửu điện) có chức năng gần như Giảng đường nhưng trang trọng hơn về tên gọi. Đây là khối chức năng lớn nhất, uy nghi và trang trọng, nằm ở giữa trung tâm khu đất. Mặt bằng theo hình chữ nhật, kích thước 30m x 20m biểu tượng cho “thuyền bát nhã” trong HPKS (Hình 5).

     Phật điện là thờ chư Phật Như Lai. Ở Tịnh xá Ngọc Hòa đã có thêm chức năng thờ chư Phật được gọi là Phật điện với mặt bằng bát giác có chiều dài góc vuông 8m để tưởng nhớ đến ơn đức và sự sáng lập HPKS của Tổ Sư Minh Đăng Quang. Đây là mô hình được thực hiện đúng theo kích thước quy định. Mặt đứng có cấu trúc mái gồm 2 tầng, cao nhất là hệ mái chóp tứ giác (4 mái dốc), bên dưới là hệ mái bát giác. Điểm nổi bật là hình ảnh Hoa Sen được lồng ghép vào ngôi Phật điện (Hình 6)

6. Đặc điểm kiến trúc Tịnh xá giáo đoàn Ni giới Khất sĩ

   Tịnh xá Ngọc An được xây dựng với diện tích 2000m2, gồm Chánh Điện, Thiền thất, Trai đường, nhà bếp, nhà thờ Cửu Huyền, nhà nghỉ Ni, tịnh thất, phòng khách, am cốc và đài Quán Thế Âm. Có thể thấy rằng, giáo đoàn V và giáo đoàn Ni giới tại VL đều thờ bồ tát Quan Thế Âm trong khuôn viên Tịnh xá. Đây là một trong những nét đặt trưng trong việc bố trí hạng mục trên mặt bằng tổng thể (Hình 7).

     Chánh điện có mặt bằng hình bát giác rộng vuông 10m tượng trưng cho Bát chánh đạo, Tứ trụ ở giữa trung tâm (Tứ chúng). Cách bố trí thờ phượng giống bên Giáo đoàn I. Tháp thờ chư Phật gồm (i) phần đế có 3 cấp (Giới – Định – Huệ); (ii) phần thân hình tứ giác (Tứ diệu đế); (iii) phần đỉnh mái có 13 tầng (13 nấc thang tiến hóa chúng sanh). Ngoài ra, thờ Tổ đặt phía sau chư Phật theo quan điểm “tiền bái Phật, hậu bái Tổ”. Mặt đứng Chánh điện gồm 2 tầng mái, cao nhất là hệ mái chóp tứ giác, bên dưới là hệ mái bát giác tương ứng với phần nhà có hình bát giác.

7. Kết luận

   Với lối kiến trúc đặc thù hình bát giác, kiến trúc Tịnh xá tuy có sự biến chuyển không gian theo từng giai đoạn nhưng không làm thay đổi về mặt hình thức công trình. Các hạng mục chức năng trong công trình được phát triển phù hợp theo từng giai đoạn lịch sử thích nghi với cộng đồng xã hội. Sự tinh túy khi lồng ghép những giá trị tưởng triết lý của đạo Phật vào công trình là sự gửi gắm của phương Pháp hành đạo Khất sĩ vào tư tưởng nhận thức của người dân Nam Bộ nói chung và VL nói riêng. Qua đó, có thể thấy rằng những ngôi Tịnh xá luôn phát triển và thích ứng để phù hợp với môi trường xã hội xung quanh, nhưng vẫn giữa được bản sắc văn hóa của HPKS. Những giá trị vật thể và phi vật thể của kiến trúc Tịnh xá tại VL đã được khẳng định và thực sự cần được quan tâm đúng mức.

Tài liệu tham khảo

[1]. Thượng Tọa Giác Toàn, 100 ngôi Tịnh xá của hệ phái Khất Sĩ, NXB Tổng Hợp, TP.HCM, 2015.

[2]. Giáo hội PGVN – HPKS, Chơn Lý – Luật nghi Khất Sĩ, NXB TP.HCM, 1998.

[3]. Huỳnh Thị Kim Loan và Lê Thị Hồng Na, “Kiến trúc Phật giáo tỉnh Vĩnh Long”, Tạp chí Xây dựng, Số 10, NXB Xây dựng, 2016.
CÁC TIN KHÁC